Công nghệ chụp nhũ ảnh được trang bị AI đang phát hiện các trường hợp mắc ung thư vú một cách hiệu quả tại Hungary, theo New York Times (NYT).
- Thanh Hóa: Bé trai 8 tháng tuổi suy gan cấp tính vì gia đình tự dùng Paracetamol hạ sốt
- Giật mình khi tắm phát hiện điều bất thường, mẹ cho đi khám mới biết dị vật bên trong 'vùng kín' của con
Bên trong một căn phòng tối tại Bệnh viện hạt Bacs-Kiskun ngoại ô Budapest, bác sĩ Eva Ambrozay đang đánh giá tình trạng tuyến vú của bệnh nhân thông qua phương pháp chụp nhũ ảnh.
AI phát hiện được nhiều dấu hiệu ung thư vú
Trước đó, đã có 2 bác sĩ khác đánh giá tuyến vú của bệnh nhân này thông qua phương pháp chụp X-quang và đều cho biết bệnh nhân không có dấu hiệu gì bị ung thư vú.
Nhưng phương pháp chụp nhũ ảnh được bác sĩ Ambrozay sử dụng có trang bị phần mềm Trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, bà chú ý tới một số khu vực được AI khoanh tròn đỏ với nghi ngờ là các tế bào có khả năng gây ung thư.
Dựa trên thông tin này, bác sĩ Eva Ambrozay đề nghị bệnh nhân sớm tiến hành sinh thiết tế bào.
Có thể thấy, những tiến bộ trong việc áp dụng công nghệ AI đang cho thấy những bước đột phá mới trong sàng lọc ung thư vú. AI có thể phát hiện các dấu hiệu ung thư mà các bác sĩ bỏ lỡ.
Hungary, nổi tiếng về sàng lọc và chữa trị ung thư vú, cũng là một trong những nơi nhanh chóng thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới nhất trong chữa trị cho bệnh nhân.
Tại 5 bệnh viện và phòng khám Hungary thực hiện hơn 35.000 lần chụp chiếu tuyến vú mỗi năm, các hệ thống AI đã bắt đầu được triển khai từ năm 2021 và đang giúp kiểm tra các dấu hiệu ung thư mà bác sĩ X quang có thể đã bỏ qua.
Các phòng khám và bệnh viện ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu cũng đang bắt đầu thử nghiệm và hướng đến sử dụng AI trong quy trình khám chữa ung thư vú.
Có thể thấy AI đang là một xu hướng lớn của thế giới khi việc ra mắt các nền tảng như Chatgpt cho thấy AI có khả năng phản ứng nhanh và giao tiếp trơn tru giống như con người. Và giờ đây, việc sử dụng AI trong công nghệ sàng lọc ung thư vú cho thấy AI đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Tiến sĩ Laszlo Tabar, chuyên gia chụp nhũ ảnh hàng đầu ở châu Âu, cho biết AI có thể là cứu cánh cho nhiều người. "Tôi đang mơ về ngày mà phụ nữ đến trung tâm điều trị ung thư vú và hỏi: 'Ở đây có sử dụng công nghệ AI hay không?'", ông nói.
Năm 2020, có 2,3 triệu ca chẩn đoán bị ung thư vú và 685.000 ca tử vong do bệnh này, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
AI sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bác sĩ
Tuy nhiên, theo các bác sĩ và nhà phát triển AI, việc sử dụng rộng rãi công nghệ phát hiện ung thư vú có sự hỗ trợ của AI vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhà khoa học máy tính Peter Kecskemethy cũng cho biết việc áp dụng AI trong y học tương đối phức tạp. Ông là nhà đồng sáng lập Kheiron Medical Technologies, một công ty phát triển các công cụ AI hỗ trợ bác sĩ X quang phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm.
Mẹ của ông là một bác sĩ X quang và đã giúp ông thấy được sự khó khăn trong việc tìm thấy một khối u ác tính nhỏ chỉ dựa trên hình ảnh. Các bác sĩ X quang thường dành hàng giờ mỗi ngày trong một căn phòng tối nhìn vào hàng trăm hình ảnh và đưa ra quyết định thay đổi cuộc sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Edith Karpati, mẹ của ông Kecskemethy, cũng chia sẻ: "Rất dễ bỏ qua các tổn thương nhỏ".
Số hóa, bảo mật, AI... và những xu hướng tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023
Tiến sĩ Kecskemethy, cùng với người đồng sáng lập Kheiron, chuyên gia về máy học Tobias Rijken, cho biết AI chỉ nên được coi là một công cụ hỗ trợ bác sĩ.
Để phát triển các hệ thống AI y tế, họ đã thu thập hơn năm triệu mẫu chụp nhũ ảnh tuyến vú của các bệnh nhân bị chẩn đoán là ung thư vú. Dữ liệu của họ lấy từ các phòng khám ở Hungary và Argentina, cùng với nhiều tổ chức học thuật khác như Đại học Emory.
Công ty này cũng trả tiền cho 12 bác sĩ X quang sử dụng phần mềm của họ để "dạy" AI cách phát hiện sự tăng trưởng của tế bào ung thư thông qua hình dạng, mật độ, vị trí và các yếu tố khác.
Dựa trên kho dữ liệu lớn và thuật toán phân biệt hình ảnh tuyến vú bình thường và những trường hợp mắc bệnh ung thư, AI sẽ tìm ra sự bất thường trong hình ảnh tuyến vú của bệnh nhân.
Năm 2022, sau khi thử nghiệm công nghệ này với hơn 275.000 trường hợp mắc ung thư vú, Kheiron cho biết phần mềm AI do họ phát triển đưa ra kết quả tương đồng với các bác sĩ X quang. Phần mềm này cũng giúp cắt giảm khối lượng công việc của các bác sĩ X quang ít nhất 30 % vì đã giảm số lượng tia X cần phải phân tích.
Thêm vào đó, công nghệ này đã tăng tỷ lệ phát hiện ung thư thêm 13 % vì AI giúp xác định thêm nhiều khối u ác tính.
Hiện tại, để áp dụng công nghệ này trên diện rộng, vẫn cần tiến hành nhiều thử nghiệm. Kết quả của công nghệ này cần phải chính xác với mọi đối tượng bệnh nhân. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi, dân tộc và tình trạng cơ thể khác nhau đều phải nhận được kết quả chính xác. Công nghệ này cũng cần nhận dạng được các loại ung thư vú phức tạp hơn và hạn chế các trường hợp chẩn đoán nhầm tế bào không mang ung thư.
Thêm vào đó, công nghệ này cũng chỉ được coi là lần sàng lọc thứ 2 hoặc thứ 3 đối với các trường hợp khám ung thư vú. Bệnh nhân cần trải qua quá trình khám chữa như bình thường trước khi đến bước sử dụng công nghệ này. Và với việc các hệ thống AI còn tương đối mới, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh nhân sẽ chỉ tin tưởng công nghệ này nếu có sự hỗ trợ và bảo đảm của các bác sĩ.
Bác sĩ Constance Lehman, giáo sư X quang tại Trường Y Harvard và Trưởng phòng Hình ảnh và X quang vú tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ kêu gọi các bác sĩ nên cởi mở với công nghệ này.
Bà Lehman nói: "Có những nhiệm vụ máy tính sẽ hỗ trợ tốt hơn".