Đến khám trong tình trạng gương mặt đã bị thương tổn nặng vì nghe theo 'bác sĩ online', nữ bệnh nhân vô cùng sợ hãi.
- Nóng: Ngày 7/5, có 1.952 ca mắc COVID-19 mới
- Dịch COVID-19 trong tuần: Có 14.068 ca mắc mới, bệnh nhân thở oxy tăng
Theo thông tin từ VietNamNet, bệnh nhân nữ, 19 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với nhiều tổn thương sẩn viêm, mụn mủ, nang tập trung chủ yếu ở trán và hai bên má.
Cô gái trẻ cho biết trước đó 2 tháng, cô chỉ có một vài tổn thương sẩn viêm ở trán, má, cằm. Vì sợ cảnh quá tải tại các bệnh viện nên cô quyết định điều trị theo một "bác sĩ online" được người quen giới thiệu. Thuốc được kê ban đầu là isotretinoin 20mg/ngày và không có thuốc bôi.
Sau dùng thuốc 10 ngày, các tổn thương sẩn, cục, nang xuất hiện nhiều lên, bệnh nhân tiếp tục duy trì. Một tháng sau, "bác sĩ online" kê đơn phối hợp isotretinoin 20mg/ngày và doxycycline 100mg/ngày dùng trong 1 tháng tiếp theo. Tổn thương tiến triển ngày càng nặng với nhiều nang kích thước lớn gây biến dạng khuôn mặt.
Theo các bác sĩ, dùng isotretinoin cần được làm các xét nghiệm sàng lọc trước khi dùng thuốc, để tránh gặp các tác dụng phụ. Đồng thời việc kết hợp isotretinoin với kháng sinh doxycyclin là chống chỉ định do có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn do tăng áp lực nội sọ.
Hơn nữa, bệnh nhân này không được tư vấn về quy trình chăm sóc da tại chỗ, chế độ ăn uống, sinh hoạt, dẫn đến đáp ứng điều trị kém. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán trứng cá bùng phát mức độ nặng, được điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ. Sau 3 tuần điều trị, số mụn viêm, mụn mủ giảm đáng kể, các nang gần như đã hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, nguy cơ để lại sẹo lõm, sẹo đỏ trên da rất lớn.
Theo thông tin từ Dân Trí, đây không phải trường hợp đầu tiên. Nhiều bệnh nhân đã gặp họa vì các bác sĩ online. Theo đó, Nữ bệnh nhân 31 tuổi tên N. sống tại Tây Ninh phải vào khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) trong tình trạng tai biến thẩm mỹ rất nặng.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên Tiktok và thấy tài khoản tên H.P.N., có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.
Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ Tiktok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ N. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.Tuy nhiên khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10. Cô được tiến hành gây mê trong lúc sửa mũi.
Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ N. tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân ở Hà Nội, sau khi xem được video hướng dẫn dùng nước lá trầu không để trị nám trên Tiktok, 4 phụ nữ ở Hà Nội đã rủ nhau đun lá trầu lấy nước để rửa mặt mong có được kết quả "vịt hóa thiên nga" như trong video.
Tuy nhiên sau một đêm, nám không những không hết mà gương mặt còn "nở hoa", khiến cả 4 chị em tá hỏa cùng dẫn nhau đi khám.Theo BS Thành thông tin trên Dân Trí, bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng. Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá thông thường ban đầu.
Các video về mẹo chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, dùng thuốc hay quảng cáo dịch vụ y khoa nhưng lại từ những người không có chuyên môn đang tràn lan trên mạng xã hội.
Mặc dù đã có nhiều trường hợp "tiền mất, tật mang" vì tin vào các chuyên gia tự phong này, được đăng tải trên phương tiện truyền thông, nhưng những video này vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Theo BS, các nội dung của "bác sĩ Tiktok" đánh đúng vào tâm lý thích chữa bệnh theo tiêu chí "ngon, bổ, rẻ, nhanh" của nhiều người.
"Các mẹo hay phương pháp chữa bệnh, làm đẹp của các "bác sĩ Tiktok" đều được thần thánh hóa công dụng. "Chỉ sau một liệu trình", "thần tốc", "sau một đêm" là những cụm từ rất hay được sử dụng trong những quảng cáo này, để đánh đúng tâm lý của các bệnh nhân muốn nhanh khỏi bệnh", BS Thành phân tích.Từ thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.