Vụ 15 con chó bị tiêu hủy vì chủ mắc COVID-19 khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu chó, mèo, vật nuôi… có làm làm lây nhiễm COVID-19 sang cho người?
- Người đến khám, điều trị ở bệnh viện, cần làm gì để phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2?
- Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định: 'Chưa có bằng chứng chó mèo lây COVID-19 cho người'
Theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm hiện tại, chưa hề có bất cứ bằng chứng nào cho thấy động vật như chó, mèo có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 cho con người. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu để hiểu rõ liệu động vật có đóng vai trò như một chủ thể truyền bệnh hay không.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) thông tin, đến nay, chưa có bằng chứng thật rõ ràng về việc chó, mèo, vật nuôi… là vật chủ trung gian truyền bệnh COVID-19 cho con người.
Nhưng đã có những công bố xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong chó, mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc lây nhiễm COVID-19 từ chó, mèo là có nếu như người mắc COVID-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.
Và sau đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm COVID-19 hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.
Trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà của Bộ Y tế có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, trong đó có quy định đối với gia đình có vật nuôi.
Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật; người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Theo Bộ Y tế, các động vật từng được ghi nhận mắc COVID-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng…
Chia sẻ quan điểm của mình về COVID và thú cưng, bác sĩ Trần Văn Phúc có viết: “Một số người cho rằng, thú cưng của chủ bị nhiễm COVID-19, có thể trên lông của chúng đang có virus do giọt bắn của người chủ dính vào, vậy chỉ cần tắm xà phòng hoặc khử khuẩn là xong. Thực ra không đơn giản như vậy.
Chúng ta đã biết, SARS-CoV-2 ở bên ngoài môi trường bám lên bề mặt các vật, thì thời gian tồn tại sẽ không lâu, cùng lắm vài giờ. Vì thế, giả sử lông chó mèo có dính virus, chỉ một hai ngày là yên tâm sẽ bị bất hoạt, có khi chỉ một hai tiếng, nên chẳng cần phải tắm xà phòng hay khử khuẩn bộ lông. Điều quan trọng là virus đang trong cơ thể chó mèo.
Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy động vật nhiễm SARS-CoV-2 có thể truyền bệnh ngược lại cho người, nhưng đã có những cảnh báo trong các nghiên cứu, mà hiện tượng chồn ở 216 trang trại và 12 người mắc cùng biến thể virus ở Đan Mạch, chính là hồi chuông cảnh báo trong tương lai điều này có thể xảy ra”.
Bác sĩ Phúc chia sẻ thêm, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, thú cưng có nguy cơ nhiễm bệnh chỉ cần cách li là đủ, nhưng cách li bao nhiêu ngày, cách li ở đâu, xét nghiệm để chẩn đoán ra sao, ai sẽ trả cho những chi phí này… thì chưa ai đưa ra giải pháp cụ thể.
Và trong quá trình cách li, nếu phát hiện chó mèo bị nhiễm bệnh biểu hiện các triệu chứng, thì điều trị như thế nào? Trên toàn thế giới các bệnh viện thú cưng chưa có phác đồ điều trị COVID-19 cho thú cưng.
Chữa bệnh COVID-19 ở chó mèo như thế nào, thú cưng mang virus trong bao lâu thì không còn khả năng truyền bệnh, những vấn đề này khoa học chưa nghiên cứu, bởi một phần động vật có khả năng tự chữa lành tốt hơn con người, phần nữa là thế giới này vẫn đang có sự khác biệt giữa động vật và con người.
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Phúc nêu quan điểm, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ban hành hướng dẫn cách thức xử lí động vật có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc đã nhiễm.
Tương lai virus có thể truyền từ động vật sang người, nên việc nghiên cứu, ban hành những hướng dẫn và quy định, đó là cách thức phòng chống dịch bệnh từ xa cho con người.