Mới đây bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã cứu sống cho một bé trai 8 tuổi ở Long Mỹ (TP. Cần Thơ) bị ngộ độc MetHemoglobin nặng. Bệnh viện Nhi Đồng 1 còn đúng một ống thuốc để giải độc cho bé.
- Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến Kiên Giang, tăng cường lá chắn chống dịch Covid-19
- Người đàn ông 31 tuổi đến bệnh viện khám vì đau bụng, hoảng hồn khi phát hiện 1 đàn "bọ" trong gan
Theo thông tin từ Pháp Luật và bạn đọc, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cứu sống một bé trai 8 tuổi ở Long Mỹ (TP. Cần Thơ) bị ngộ độc MetHemoglobin nặng.
Được biết, ngay khi phát hiện biểu hiện tím tái bất thường của con trai, mẹ bé đã ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện Long Mỹ (Cần Thơ). Ghi nhận ca bệnh nặng, bé trai được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trong tình trạng môi xanh tái, đầu chi tím tái. Test nhanh tại đây bác sĩ nghi ngờ bé bị ngộ độc MetHemoglobin, nhưng do tình trạng bệnh nhi nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ đã chuyển ngay bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu.
Được biết, bệnh nhi khi nhập bệnh viện Nhi Đồng 1 có tình trạng đừ, than mệt, môi tím, tím các đầu chi kèm rối loạn nhịp tim dạng block nhánh phải. Ngay lập tức các bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành thực hiện test nhanh chẩn đoán MetHemoglobin.
Sau khi bác sĩ dùng một ống tiêm rút 1ml máu bệnh nhi và hút thêm 9ml không khí, lắc nhẹ nhiều lần cho hồng cầu tiếp xúc oxy trong không khí. Máu của bệnh nhi vẫn giữ màu nâu, không đỏ lại chứng tỏ test Methemoglobin dương tính.
Rất may mắn cho bé là bệnh viện Nhi Đồng 1 còn đúng 1 ống thuốc giải độc Methylen Blue. Ngay lập tức bệnh nhi đã được tiêm thuốc giải độc. Sau khi tiêm thuốc vài phút, môi bệnh nhi đã hồng hào trở lại, các đầu chi hết tím, nhịp tim bình thường, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên rõ rệt. Định lượng nồng độ MetHb trong máu sau khi tiêm thuốc giải độc chỉ còn 0,9% (bình thường 0-3%).
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó bé trai có đi khám da liễu được bác sĩ cho uống thuốc và thoa thuốc không rõ loại trong 1 tuần. Trong thời gian này bé vẫn khỏe mạnh. Đến chiều ngày 19/4 thì mẹ bé nhận thấy môi và các đầu ngón tay và chân của bé bị tím nên đã lập tức đưa bé đến bệnh viện.
Ngộ độc MetHemoglobin thường do uống, tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây Methemoglobin thường gặp như Nitrites (có trong củ dền, nước giếng...), thuốc súng Chlorates, thuốc chữa bệnh (Dapsone, Quinones, Sulfonamides), thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin.
Triệu chứng thường gặp của ngộ độc Methemoglobin là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân mới xuất hiện gần đây, trong trường hợp nặng sẽ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp. Test nhanh chẩn đoán và ước lượng nồng độ MetHemoglobin đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán ngộ độc Methemoglobin.
Điều trị giải độc bằng Methylen Blue rất có hiệu quả, tuy nhiên thuốc Methylen Blue rất hiếm, hầu như không có tại các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc Methemoglobin nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.