Ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái, bé gái H.T (3 tuổi, ở Hà Nam) đau bụng, nôn nhiều và phải nhập viện cấp cứu.
- Ca nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đầu tiên Cà Mau: Gia đình có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày
- Ngủ dậy liền thấy đau cổ họng: Một hiểu lầm tai hại liên quan đến việc uống nước
Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước khi vào viện, trẻ ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua trên mạng về và chưa kịp uống.
Sau ăn, trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình phát hiện cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ sử dụng các biện pháp để hạn chế hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải.
"Loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ", bác sĩ Hùng nói và cho biết những loại thuốc này được bán trôi nổi trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp trẻ nhập viện điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc.
Theo bác sĩ, uống nhầm thuốc, hoá chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn.
Qua trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc.
Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi và sinh hoạt.
Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Khi đi phụ huynh cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.