Bé gái 11 tuổi tại Vĩnh Long đã phải cắt bỏ buồng trứng sau cơn đau bụng dưới kéo dài 3 ngày do bệnh lý đang có xu hướng gia tăng ở các bé gái.
- Dịch kiến ba khoang “hoành hành”, bác sĩ cảnh báo các sai lầm thường gặp
- 59 học sinh phải đi cấp cứu sau bữa ăn tại trường, nghi do ngộ độc thực phẩm
Bé H. N. H (12 tuổi, địa chỉ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhập cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm nôn ói khoảng 2 – 3 tiếng. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, kết quả siêu âm ghi nhận có u buồng trứng phải kích thuớc khoảng 6 x 8 cm.
Bé được chẩn đoán u buồng trứng xoắn và được chỉ định mổ nội soi cấp cứu. Cuộc mổ diễn ra khoảng 45 phút. Qua nội soi, các bác sĩ nhận thấy buồng trứng bên phải có khối u to 9 cm, xoắn 2 vòng. Ekip bác sĩ nhanh chóng tháo xoắn buồng trứng, các mạch máu bị chèn ép được hồi phục và buồng trứng hồng hào trở lại. Kíp mổ thực hiện bóc u và giữ phần mô lành buồng trứng. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp cắt cả buồng trứng vì giúp bảo tồn được chức năng nội tiết và ngoại tiết cho bé gái.
Còn trường hợp bé H. L. H. H (11 tuổi, địa chỉ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đau bụng kéo dài 3 ngày vùng bụng dưới lệch phải kèm các triệu chứng không rõ ràng. Gia đình có đưa bé đi điều trị nhưng không giảm nên xin chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vào cuối ngày thứ 3 sau khi khởi phát triệu chứng.
Tại Khoa Cấp Cứu, bé được bác sĩ thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, kết quả chụp MSCT có nang buồng trứng khoảng 5 cm. Bé được chẩn đoán u buồng trứng xoắn được chỉ định mổ nội soi cấp cứu trong khoảng 1 giờ. Qua nội soi các bác sĩ thấy buồng trứng phải xoắn 4 vòng, mô buồng trứng và vòi trứng đã tím đen hoại tử. Trường hợp của bé ekip bác sĩ đã quyết định cắt phần phụ gồm buồng trứng và vòi trứng để bảo toàn tính mạng cho bé.
BS.CKI. Đào Bích Chiền, Khoa Sản Phụ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Xoắn phần phụ (buồng trứng và vòi trứng) đứng hàng thứ 5 trong số các trường hợp cấp cứu phụ khoa thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lức tuổi, thường gặp ở độ tuổi sinh sản từ 20 – 50 tuổi.
Hiện nay bệnh lý này cũng có thể xảy ra ở độ tuổi nhỏ hơn (do độ tuổi dậy thì sớm). Chẩn đoán và xử trí kịp thời u buồng trứng xoắn rất cần thiết để bảo tồn chức năng buồng trứng và ngăn ngừa biến chứng nặng nề. Trong điều trị cắc trường hợp bệnh lý u buồng trứng xoắn, các bác sĩ luôn chỉ định phẫu thuật sớm, nhanh chóng để bảo tồn buồng trứng.
Khi bảo tồn, các bác sĩ luôn nâng niu phần mô buồng trứng còn lành bằng kỹ năng, thao tác kỹ thuật rất thận trọng. Kết hợp mổ nội soi giúp vết mổ thẩm mỹ, ít đau, mau lành. Sau 3 ngày điều trị, 2 bé gái đều hồi phục sức khỏe tốt và được xuất viện.
Qua trường hợp của 2 bé gái này, Bác sĩ Chiền cũng khuyến cáo với các bé vào tuổi dậy thì, gia đình nên đưa các bé đi kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ để được các bác sĩ tư vấn hướng dẫn giúp gia đình hiểu rõ hơn cách theo dõi sức khỏe và chăm sóc phụ khoa cho bé.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tiền mãn kinh, mãn kinh nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các khối u bất thường, tránh để u phát triển kích thước lớn hoặc biến chứng ác tính ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Khi có dấu hiệu đau bụng nhiều hoặc cơ thể gầy yếu nhưng bụng to bất thường, cần đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.