Bé 4 tháng tuổi phát hiện xuất huyết não nghi do xốc nách, rung lắc khi được mẹ đưa đi chơi

Tin y tế 07/02/2023 21:18

Sau khi trở về nhà, bé 4 tháng tuổi đã phải nhập viện với triệu chứng hôn mê, thở nấc, tím môi…, bác sĩ chẩn đoán: Xuất huyết não.

Thông tin được đưa theo VietNamNet cho hay, ngày 7/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thông tin về trường hợp bệnh nhi đưa vào cấp cứu ngày 24/1.

Bé chào đời ngày 22/9/2022, sinh thường đủ tháng, không sặc sữa, ngủ bằng nôi không rung lắc mạnh, không có tiền sử té ngã.

Ngày 22/1, trẻ được mẹ đưa đi chơi, sau đó chuyền tay qua nhiều người bế ẵm, xốc nách và rung lắc trẻ. Hôm sau, trẻ có triệu chứng li bì, bú kém, thở nấc nên được gia đình đưa vào viện.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tình trạng trẻ khi nhập viện hôn mê, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng, bụng mềm, không tiêu chảy, không sốt. Qua kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán: Xuất huyết não (xuất huyết dưới nhện và tụ máu dưới màng cứng) nghi do hội chứng rung lắc.

Bé 4 tháng tuổi phát hiện xuất huyết não nghi do xốc nách, rung lắc khi được mẹ đưa đi chơi   - Ảnh 1
Bé 4 tháng tuổi chảy máu não nghi bị người lớn xốc nách, rung lắc. Ảnh: Internet

Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực bằng các biện pháp thở máy, điều chỉnh rối loạn thông khí, điều chỉnh rối loạn điện giải, truyền máu, cắt cơn co giật, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau 7 ngày điều trị nội khoa hồi sức tích cực, trẻ tỉnh, được cai máy thở rút ống nội khí quản. Đến ngày 6/2, trẻ tỉnh táo, bú tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định hoàn toàn, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Theo bác sỹ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ trên Báo Công an nhân dân cho biết: Rất nhiều trẻ bị hội chứng rung lắc có các tổn thương não xảy ra đã khá lâu mà gia đình không hề hay biết.

Do vậy, đa số trẻ bị hội chứng rung lắc ở Bệnh viện Xanh Pôn đều được phát hiện muộn - khi trẻ đã ít nhiều chịu các di chứng của tàn phế não. Trẻ chỉ được đưa tới cơ sở y tế khi đã bị chảy máu não, đứt sợi trục thần kinh, phù não, tổn thương vùng tuỷ cổ, ngừng thở, ngừng tim, thậm chí tử vong đột ngột.

Trẻ bị hội chứng rung lắc thường có những triệu chứng khác nhau như: chậm phát triển tinh thần và vận động, yếu hoặc liệt tay chân, co giật, hôn mê.... Tuy vậy, bác sỹ Phúc cho biết thêm, có nhiều trẻ bị hội chứng lắc nhưng không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất mờ nhạt, đến một lúc nào đó, thậm chí khi đứa trẻ đã trở thành một cụ già, những triệu chứng đó mới xuất hiện rõ rệt.

Trên toàn thế giới, có tới khoảng 33% trẻ bị chấn thương sọ não là do hội chứng lắc, trong đó có tới 8% trẻ bị tử vong, số còn lại bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm thực tế của bác sỹ Phúc, số bệnh nhi chắc chắn không thể ít hơn số thống kê trên. Hội chứng lắc hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trẻ càng lớn, hội chứng lắc càng ít xảy ra.

Tuy vậy, khái niệm về hội chứng rung lắc trẻ vẫn còn khá mới mẻ đối với người dân và cả không ít cơ sở y tế. Trên thực tế, những cử chỉ gây nguy hiểm cho trẻ như trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống, xô đẩy, tung đỡ trẻ… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Khi trẻ quấy khóc, nghịch ngợm…, nếu người lớn cáu giận tát, đánh vào đầu hay có những hành động bạo hành làm đầu trẻ bị di chuyển nhanh và mạnh cũng có thể gây hội chứng rung lắc.

Cũng theo VietNamNet, dấu hiệu trẻ bị hội chứng này bao gồm rối loạn tri giác ở nhiều mức độ, lừ đừ, vật vã, hôn mê, co giật, nôn ói, bú kém hoặc bỏ bú, nhịp thở chậm và bất thường, thóp phồng. Ngoài ra, trẻ bị thương tổn liên quan đến bạo lực như bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, lưng hoặc bụng.

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần:

- Gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường.

- Không bế xốc trẻ lên, hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú.

- Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần tiến hành hô hấp nhân tạo.

- Nếu chấn thương cổ nên cố định cổ và tránh xoay trở trẻ.

- Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.

 

 

Vụ ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng ở An Giang: 4 người nhiễm trùng nặng, tiên lượng xấu

Tổng cộng 88 người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi ăn chè miễn phí trong ngày Rằm tháng Giêng.

TIN MỚI NHẤT