Ngày 10/1 vừa qua, giám đốc điều hành của hãng dược Pfizer - ông Albert Bourla đã chia sẻ với đài CNBC: "Chúng tôi sẵn sàng sản xuất vắc xin này trong tháng 3".
- WHO cho rằng cần tạo vaccine Covid-19 mới bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ nhiễm bệnh
- Thuốc trị đái tháo đường Metformin tiếp tục bị thu hồi do có chứa chất gây ung thư
Theo Tuổi trẻ, ngoài biến thể Omicron, CEO Pfizer nói loại vắc xin mới này cũng chống lại các biến thể trước đó. Ông Bourla cũng chia sẻ thêm, hiện nay vẫn chưa rõ liệu có cần hay không một loại vắc xin ngừa Omicron hoặc vắc xin này sẽ được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên, hãng Pfizer sẽ sản xuất một số liều vắc xin này do một số nước muốn có càng sớm càng tốt.
Cũng theo ông Bourla, cho đến nay, mọi người vẫn được bảo vệ khỏi nhập viện và bệnh nặng do Covid-19 miễn là đã tiêm liều thứ ba của các loại vắc xin hiện có.
Theo dữ liệu thế giới thực trong nghiên cứu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), hiệu quả của vắc xin Pfizer và Moderna trước Covid-19 chỉ còn khoảng 10% ngăn ngừa bệnh có triệu chứng do Omicron trong khoảng 20 tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, 2 liều ban đầu vẫn có thể bảo vệ tốt người tiêm khỏi bệnh nặng.
Theo nghiên cứu của UKHSA, nếu tiêm liều thứ ba giúp tăng hiệu quả ngừa bệnh có triệu chứng lên 75%.
Vào tuần trước, CEO của hãng dược Moderna là Stephane Bancel cũng chia sẻ về việc họ đang phát triển vắc xin nhắm đến biến thể Omicron vào mùa thu năm nay, và sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng vắc xin này.
Ông Bancel cho rằng hiệu quả của các liều tăng cường sẽ giảm dần theo thời gian, và mọi người sẽ cần liều thứ tư vào mùa thu.
CEO Moderna cũng cho rằng người già hoặc có bệnh nền có thể cần tiêm tăng cường hằng năm trong nhiều năm tới do virus sẽ không biến mất, và con người phải học cách sống chung.
Trong một diễn biến khác, theo Hãng tin Reuters, Pfizer cho biết đã nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Paxlovid của hãng lên Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Còn tại Mỹ đã cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid.