Hãng tin Reuters đưa tin, Hà Lan đang tập trung phát triển công nghệ sử dụng tia laser đẩy giọt vắc xin qua da. Nhờ đó, quá trình tiêm chủng sẽ được tiến hành nhanh gọn hơn, không gây đau đớn cho những người sợ kim tiêm, tránh gây lãng phí kim tiêm nhựa.
- Phát hiện "thú vị": Thuốc điều trị rối loạn chức năng cương dương có thể hiệu quả cả bệnh Alzheimer
- Thực hư tiêm trộn vắc xin ngừa Covid-19 sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn
Tuổi trẻ đưa tin, ông David Fernandez Rivas, Giáo sư Đại học Twente (Hà Lan) và nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) chính là “cha đẻ" của ý tưởng này.
Giáo sư Rivas cho biết, nhờ có thiết bị mới này, quá trình tiêm chủng diễn ra nhanh hơn cả lúc bị muỗi chích và không hề gây đau đớn do “súng bong bóng" không tác động đến các đầu dây thần kinh trên da.
“Trong vòng một phần nghìn giây, tia laser sẽ đốt nóng ống chứa vắc xin trong súng, trực tiếp gia tốc các giọt chất lỏng li ti, khiến chúng xuyên qua lớp biểu bì với vận tốc ít nhất là 100km/h - ông Rivas giải thích thêm - Tốc độ này cho phép vắc xin nhanh chóng xuyên qua da mà không gây tổn thương hay tạo ra bất kỳ dấu tiêm nào”.
Kết quả thử nghiệm ban đầu ghi nhận hệ miễn dịch phản hồi rất tốt khi tiêm vắc xin qua lớp biểu bì trên da.
Với phát minh tiên tiến này, Giáo sư Rivas hy vọng giải pháp không chỉ giúp quá trình tiêm chủng diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn, mà còn giảm áp lực rác thải y tế đang đè nặng lên môi trường trong bối cảnh đại dịch vẫn lây lan trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tùy vào tiến độ của nghiên cứu và các vấn đề pháp lý, công nghệ này có thể sẽ phải mất từ 1-3 năm để được phổ biến rộng rãi.