Mới đây, các chuyên gia tại Đại học Oxford tuyên bố vừa tìm ra một biến chủng HIV mới có khả năng lây nhiễm cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến hệ miễn dịch.
- Vaccine nhỏ mũi ngừa Covid-19 hứa hẹn sớm được thực hiện
- Vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi dự kiến sẽ được cấp phép vào cuối tháng 2/2022
Một số báo đưa tin, theo kết luận nghiên cứu đăng trên chuyên san Science, ngày 4/2/2022, biến chủng mới này có tên gọi là VB, làm suy yếu khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và mầm bệnh thông thường ở người nhanh hơn nhiều so với phiên bản virus trước đó. Điều này cũng có nghĩa người nhiễm biến chủng HIV sẽ tiến triển thành AIDS sớm hơn so với biến chủng cũ.
Các nhà khoa học đã xác định 109 bệnh nhân, hầu hết sống tại Hà Lan nhiễm biến chủng mới này. Họ phát hiện rằng người nhiễm VB có tải lượng virus (lượng virus trong máu) cao hơn 3,5 đến 5,5 lần so với chủng hiện tại. Như vậy, virus có khả năng lây truyền cao hơn.
Theo nghiên cứu, biến chủng VB có hơn 500 đột biến. Ban đầu, nhóm nghiên cứu xác định được biến chủng ở 17 bệnh nhân dương tính. Vì 15 người trong đó đến từ Hà Lan, họ mở rộng phân tích thêm 6.700 trường hợp từ nước này, xác định thêm 92 bệnh nhân khác.
Ở bệnh nhân nhiễm VB, quá trình suy giảm tế bào miễn dịch T CD4 xảy ra nhanh hơn gấp đôi. "Những người này có thể phát triển thành AIDS trong vòng 2 đến 3 năm kể từ thời điểm được chẩn đoán dương tính", tác giả nghiên cứu viết.
Như vậy, nếu không được điều trị, lượng tế bào CD4 sẽ đạt tới mức thấp nghiêm trọng, có thể để lại triệu chứng lâm sàng lâu dài trong trung bình 9 tháng sau khi chẩn đoán đối với những người ở độ tuổi 30. Dù vậy, nếu được điều trị kịp thời, hệ miễn dịch của cơ thể vẫn có khả năng phục hồi cao tương đương những phiên bản HIV trước đó.
Theo các nhà khoa học, biến chủng VB có thể xuất hiện vào cuối những năm 1980 và đầu năm 1990 tại Hà Lan, song suy yếu vào khoảng 2010. Các biện pháp hiện tại vẫn hiệu quả trên biến chủng. Nhóm nghiên cứu tin rằng sàng lọc và điều trị sớm các bệnh nhân vẫn là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống HIV.
"Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hướng dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rằng những cá nhân có nguy cơ nhiễm HIV nên được xét nghiệm thường xuyên, chẩn đoán sớm, điều trị ngay lập tức", tiến sĩ Christophe Fraser, đồng tác giả nghiên cứu, nêu rõ.