U23 Việt Nam đã rất cố gắng trên chặng đường vừa qua.
- Xôn xao thông tin bác sĩ Choi không nhận huy chương vàng cùng đội tuyển U23 Việt Nam, người hâm mộ bày tỏ 'Phải có cho bác vì bác xứng đáng'
- Người dân cả nước đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng lộng lẫy của U23 Việt Nam tại SEA Games 31
Đêm 12/6, hành trình của U23 Việt Nam tại vòng Chung kết U23 châu Á đã phải dừng lại sau khi các chàng trai áo đỏ để thua 0 - 2 trước U23 Saudi Arabia. Dù không đạt được mục tiêu nhưng trong lòng người hâm mộ, U23 Việt Nam và BHL đã làm được những điều rất đáng tự hào.
Thậm chí với màn trình diễn của họ, nhiều người còn đặt niềm tin, hi vọng về một tương lại xán lạn cho nền bóng đá nước nhà. Và dưới đây chính là 4 lý do mấu chốt cho tình cảm đặc biệt này của khán giả.
Tinh thần tự tin, phong độ thi đấu ổn định
Từ đầu năm 2022 đến nay, U23 Việt Nam đã trải qua 3 giải đấu lớn là giải Vô địch U23 Đông Nam Á, SEA Games 31 và vòng Chung kết U23 châu Á. Chúng ta đã giành ngôi vô địch ở 2 giải khu vực, trở thành đội bóng ở vị trí đỉnh cao của Đông Nam Á và cũng là đại diện duy nhất của khu vực lọt vào tứ kết U23 châu Á.
Trong suốt hành trình này, cả đội phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng các cầu thủ luôn thể hiện một sự bình tĩnh, tự tin hiếm có. Ngay cả khi đụng độ với đội bóng mạnh như U23 Hàn Quốc - nhà vô địch U23 châu Á mùa trước, các chiến binh áo đỏ vẫn không hề nao núng. Thay vào đó họ vẫn đặt mục tiêu chiến thắng và xuất sắc cầm hòa đội bóng này với tỷ số 1 - 1.
Có một chi tiết khiến nhiều người thích thú là cả 3 giải đấu kể trên, U23 Việt Nam được dẫn dắt bởi 3 HLV khác nhau là HLV Đinh Thế Nam, HLV Park Hang-seo và HLV Gong Oh-kyun. Dù mỗi HLV có một cách cầm quân khác nhau nhưng các cầu thủ vẫn duy trì phong độ thi đấu, không e ngại trước bất kỳ đối thủ nào.
Ngoài ra, các cầu thủ U23 năm nay cũng nhiều lần được đặt lên so sánh với lứa U23 ở Thường Châu (Trung Quốc) năm nào và có không ít ý kiến trái chiều. Tuy nhiên với bản lĩnh của mình, họ đã không để điều này làm ảnh hưởng mà chỉ tập trung vào luyện tập và thi đấu hết mình.
Đa năng hiếm có, vừa đá bóng hay vừa học giỏi
Ví dụ điển hình cho sự toàn diện này của U23 Việt Nam không ai khác ngoài đôi bạn thân Phan Tuấn Tài và Nhâm Mạnh Dũng.
Phan Tuấn Tài cực kỳ nổi tiếng với thành tích học tập đáng nể, vẫn được fan girl gọi đùa là "học bá sân cỏ". Tuấn Tài là Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2020, hiện tại là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội. Thời gian vừa qua, do liên tục phải tập luyện và thi đấu nên chàng cầu thủ chỉ có thể học online vào buổi tối. Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Phan Bá Sáu - bố Tuấn Tài cũng cho biết gia đình luôn động viên con trai cố gắng học tập đầy đủ:
"Bây giờ, giải đang diễn ra với cường độ cao nên Tài phải tạm gác lại chuyện học. Tôi dặn con phải nói với các thầy, mong được các thầy tạo điều kiện giúp đỡ, sau giải phải về học trả bài. Tôi động viên cháu, khó khăn cỡ nào thì tối về cũng phải học online nghiêm túc. Trước đây, trường có bằng khen vì con là thủ khoa đầu vào nên phải cố gắng để các thầy không thất vọng. Tài hứa phấn đấu hoàn thành việc học, không bao giờ bỏ cuộc, tôi tin tưởng Tài nói gì là làm được cái đó".
Về phần Nhâm Mạnh Dũng, trong trận tứ kết với U23 Saudi Arabia, chàng cầu thủ đã có 15 phút đáng nhớ khi đảm nhận vị trí thủ môn vì Quan Văn Chuẩn nhận thẻ đỏ. Bình thường Dũng đã được nhận xét là đa-zi-năng khi có thể đảm nhận tốt ở cả 2 vị trí trung vệ và tiền đạo nhưng nhìn anh chàng trong màu áo thủ môn, bình tĩnh đối mặt với cầu thủ đối phương người hâm mộ lại được một phen mắt tròn mắt dẹt. Dù đây là tình huống không ai mong muốn nhưng phải thừa nhận, Nhâm Mạnh Dũng chính là mẫu cầu thủ toàn diện hiếm có.
Nhưng không dừng lại ở đó, cách đây không lâu, ông Nhâm Ngoan - bố Dũng còn cho biết chàng cầu thủ cũng từng học rất giỏi. Chàng cầu thủ từng đoạt giải 3 học sinh giỏi Toán cấp thành phố năm lớp 5 nên khi gia đình rút hồ sơ cho con theo nghiệp quần đùi áo số, gia đình và nhà trường đã đề nghị suy nghĩ kỹ càng.
Thể hình và thể lực không kém ai
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, câu chuyện thể hình và thể lực đã để lại không ít nỗi đau lẫn tiếc nuối. Ở rất nhiều trận đấu quan trọng, chúng ta phải chấp nhận kết quả thua cuộc chỉ vì cầu thủ không đủ sức cạnh tranh với đối phương cao to hoặc đuối sức vào khoảng thời gian cuối trận đấu. Với các cầu thủ U23 Việt Nam, điều này đã được cải thiện rõ rệt, vóc dáng và sức bền của họ không kém bất cứ đối thủ nào.
Ví dụ rõ ràng nhất chính là ở trận đấu với U23 Saudi Arabia vừa qua. Phải đối mặt với các cầu thủ Tây Á nổi tiếng nhiều lợi thế về vóc dáng nhưng các chiến binh áo đỏ lại được đánh giá nhỉnh hơn khi 6/11 cầu thủ trong đội hình xuất phát cao từ 1m8 trở lên. Đó đều là những cái tên quen thuộc với khán giả như Bùi Hoàng Việt Anh (1m86), Nhâm Mạnh Dũng (1m81), Lương Duy Cương (1m81), Nguyễn Thanh Bình (1m8), Quan Văn Chuẩn (1m81) và Nguyễn Văn Trường (1m82). Ngoài ra các cầu thủ còn lại cũng cao trên 1m7.
Về sức bền, thi đấu pressing đồng nghĩa với việc tốn rất nhiều thể lực nhưng các cầu thủ vẫn không một chút lo lắng. Thậm chí ở thời điểm Quan Văn Chuẩn phải rời sân còn Nhâm Mạnh Dũng về bắt gôn, U23 Việt Nam chỉ còn 10 người nhưng họ vẫn mạnh dạn chơi tấn công và chạy về sân nhà hỗ trợ khi cần thiết. Nếu không có thể lực, các cầu thủ sẽ khó mà bao quát được rộng như vậy với tình hình thiếu người.
Nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua hoàn cảnh khó khăn
Để đi được chặng đường vừa qua, có một thứ không thể phủ nhận ở mỗi cầu thủ U23 Việt Nam chính là nỗ lực không ngừng nghỉ. Tất cả các cầu thủ đều đã xa gia đình từ khi còn rất nhỏ, mới chỉ là những cậu bé đen nhẻm để ăn tập tại các trung tâm huấn luyện. Vì vậy mà thật khó để đong đếm được nỗi nhớ nhà, cảm giác thèm được ăn cơm mẹ nấu của họ.
Không những thế, nhiều người còn trải qua biến cố, khó khăn của gia đình với vô vàn lo lắng, sợ hãi. Đó là Bùi Hoàng Việt Anh từng ra sức ngăn cản bố mẹ bán nhà trả nợ. Đó là Nguyễn Thanh Bình luôn cố gắng hết mình để đem lại niềm vui cho gia đình, nhất là người mẹ mắc bệnh xương khớp nhiều năm chưa khỏi. Đó là Dụng Quang Nho với nỗi trăn trở khi gia đình 9 người sống chung trong một căn nhà chật hẹp, mỗi lần trời mưa, nước lại dâng lên mang theo cả rác bẩn vào nhà... Còn rất nhiều cầu thủ khác của U23 đều xuất thân hết sức bình thường, nếu không muốn nói là khó khăn.
Ngược lại, mỗi cầu thủ U23 Việt Nam cũng có hậu phương vô cùng vững chắc chính là gia đình tâm lý. Dù gia cảnh có đặc biệt thế nào, bố mẹ họ vẫn đặt chuyện thương con và sự lo lắng sang một bên, động viên con trai theo đuổi đam mê đến cùng. Và thời điểm hiện tại, nỗ lực không ngừng nghỉ của các cầu thủ đều đã được đền đáp xứng đáng bởi những khó khăn của họ đều đã vơi bớt phần nào.