Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời cho biết cơ quan chức năng đã ba lần yêu cầu chủ tàu là bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi Năm Bộ) đưa phương tiện vào đất liền để xử lý các nghi can nhưng đến nay tàu cá nói trên vẫn còn ngoài khơi.
- Vụ ngư dân bị hành hạ như thời trung cổ khiến nhiều người rùng mình: Chủ tịch huyện nói 'đã được giải quyết'
- Thông tin MỚI vụ người đàn ông bị tra tấn dã man trên tàu biển: Đã xác định 3 nghi can hành hạ nạn nhân
Liên quan đến đoạn clip hành hạ người đàn ông dã man trên tàu biển, theo thông tin từ báo Tiền Phong, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã xác định được 3 nghi can hành hạ dã man người đàn ông trên tàu biển nhưng do những người này chưa vào bờ nên chưa xử lý được vụ việc.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, nạn nhân được xác định là T.V.T (SN 1975, cư trú thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và L.V.B (cư trú không cố định). Các nghi phạm là Nguyễn Công Toàn (SN 1988); Nguyễn Văn Tỵ (SN 1988) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1984, cùng ngụ huyện Trần Văn Thời).
Qua xác minh ban đầu, ngày 28/5/2022, B. đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo vụ việc bị đánh gây thương tích trên ghe đánh bắt thủy sản mang BKS BT 97993-TS. Đến ngày 30/5/2022, anh T. đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo vụ việc bị đánh gây thương tích trên ghe biển trên.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, anh B. và T. cho biết, vào ngày 4/1/2022, ghe đánh bắt thủy sản mang BKS BT 97993-TS do bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi là bà Năm Bộ) làm chủ, ghe xuất bến ra biển hoạt động tại cửa sông Ông Đốc trên ghe có tất cả 7 thuyền viên.
7 người này gồm: Nguyễn Công Toàn (tên thường gọi là To, là con bà Hà) làm tài công; Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Văn Hùng; T.V.T; Phạm Chí Cường; Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ.
Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, sau khi nắm được vụ việc, lãnh đạo huyện Trần Văn Thời cho biết cơ quan chức năng đã ba lần yêu cầu chủ tàu là bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi Năm Bộ) đưa phương tiện vào đất liền để xử lý các nghi can nhưng đến nay tàu cá nói trên vẫn còn ngoài khơi. Do bà Hà không đưa phương tiện vào bờ, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Đồn biên phòng Sông Đốc yêu cầu bà Hà điều phương tiện vào bờ để làm việc với các nghi can trên tàu cá.
"Khi làm rõ vụ việc, nếu có dấu hiệu phạm tội thì tiếp nhận tin báo và khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật" - một lãnh đạo huyện Trần Văn Thời nói.
Theo anh Bình và ông Trung, ngày 23/5, ông Trung bị Toàn, Tỵ và Nguyễn Văn Hùng đánh gây thương tích. Cụ thể là dùng kềm bấm vào ngón tay, bẻ gãy bốn cái răng, đánh giập môi và gối chân phải. Sau đó, đến ngày 24/5, đến lượt anh Bình bị Toàn và Nguyễn Văn Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng.
Qua làm việc với công an, anh Bình và ông Trung không yêu cầu xử lý hình sự, mà chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị.
Người ra tay nặng nhất tự xưng tên Văn Hùng. Người này dùng kềm bấm (dụng cụ trong sửa chữa máy móc) để bẻ răng người đàn ông mặc áo xanh. Sau đó, tiếp tục dùng kềm bấm vào ngón tay cái, vào bộ phận sinh dục của người mặc áo thun xanh, khiến nạn nhân kêu la thảm thiết.
Đáng nói hơn, sau clip tra tấn dã man nạn nhân, trên mạng xuất hiện clip thứ hai, trong đó nhóm ngư dân hăm dọa người đàn ông mặc áo thun xanh không được khai báo khi tàu cập bờ. Trong clip, người mặc áo thun xanh sợ hãi trả lời "không có ai đánh hết, giờ vô là tôi không có nói cái gì đâu, mấy anh không có gì sai hết, từ đây tới vô không có chuyện gì hết".
Sau đó người đàn ông này tiếp tục bị các đối tượng dùng kềm bấm vào tay. Những hình ảnh từ clip khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.