Gần 2,5 triệu người đã chết vì bệnh COVID-19 trên khắp thế giới. Theo mô tả của các bác sĩ, nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng trước khi “lìa đời” là những giây phút khủng khiếp nhất.
- Hải Phòng: Ca dương tính Covid-19 mới là nữ điều dưỡng chuyên đón tiếp bệnh nhân, lịch trình dày
- Hải Dương: Xuất hiện chùm ca nhiễm Covid-19 mới, ổ dịch Kim Thành thông báo khẩn tìm người từng đến 8 địa điểm
Phổi như có ngàn con ong đang chích, thở như cá mắc cạn, cơ thể cắm đầy thiết bị xâm nhập... là nỗi thống khổ mà hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trải qua trước khi họ trút hơi thở cuối cùng, theo lời kể của bác sĩ.
Bốn bác sĩ, những người đã cùng nhau chăm sóc hơn 100 bệnh nhân Covid-19 hấp hối trong 11 tháng qua, đã chia sẻ với Vox những gì bệnh nhân của họ đã phải trải qua về thể chất lẫn tinh thần - khi virus Covid-19 đã "bào mòn" họ.
"Phần lớn những gì tôi chứng kiến diễn ra sau tấm màn đóng kín, công chúng bình thường không ai thấy được cảnh này, thậm chí gia đình bệnh nhân thấy rất ít. Nhờ vậy phần lớn chúng ta thoát được việc phải chứng kiến thứ tồi tệ nhất của căn bệnh này" - bác sĩ Todd Rice, chuyên gia về phổi và chăm sóc tích cực thuộc Trung tâm y khoa Đại học Vanderbilt (Mỹ) chia sẻ.
Phổi như bốc cháy
Virus SARS-CoV-2 tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó hấp thụ đủ oxy với mỗi hơi thở. Nó có nghĩa họ phải thở mỗi lúc một nhanh hơn - từ mức trung bình 14 lần/phút lên đến 30 hoặc 40 lần.
Theo bác sĩ Kenneth Remy, bệnh nhân mắc COVID-19 kể với ông rằng họ cảm thấy phổi như đang bị lửa đốt, hoặc hàng ngàn con ong đang cùng chích bên trong lồng ngực. Có người phổi bị tràn dịch nên có cảm giác như thở qua bùn và có người cảm thấy như đang bị bóp nghẹt...
Còn bác sĩ Todd Rice, Đại học Vanderbilt cho biết, bệnh nhân mắc COVID-19 do ông chăm sóc chia sẻ rằng họ cảm thấy có cảm giác cái chết đang đến gần.
Trong khi đó, bác sĩ Meilinh Thi, Trung tâm y khoa Đại học Nebraska, cũng chia sẻ cùng trải nghiệm: "Rất nhiều bệnh nhân nói thẳng với tôi rằng họ có cảm giác sắp chết và một cách đáng sợ là những bệnh nhân đó cuối cùng đều qua đời".
Khi một ai đó mắc COVID-19 nặng đến mức cần gắn máy thở, cơ hội sống sót của họ ở mức 40-60%, bác sĩ Kenneth Remy ước tính.
Sau đó, họ sẽ dần chuyển sang giai đoạn bất tỉnh hoặc không còn khả năng nói chuyện cho đến lúc chết. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều diễn biến rất nhanh nên trước khi gây mê để đặt nội khí quản, người cuối cùng họ tiếp xúc một cách tỉnh táo thường là bác sĩ.
"Mặc dù có quy định cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân COVID-19, chúng tôi luôn cố gắng không để họ qua đời một mình. Với những người diễn biến quá nhanh, không đủ thời gian gọi gia đình, bác sĩ và y tá sẽ đứng vây quanh. Họ sẽ chết trong lúc được làm thủ thuật hồi sinh tim phổi, hoặc nếu không có lệnh, mọi người chỉ đứng nhìn. Với những người còn thời gian, thành viên gia đình trong trang phục bảo vệ toàn thân (PPE) sẽ được vào thăm" - bác sĩ Meilinh Thi kể chi tiết.
Bị cô lập tinh thần
Nỗi đau đớn khi nhiễm Covid-19 không chỉ đến từ cơ thể mà còn ở tâm trí bệnh nhân. Bác sĩ Remy chia sẻ: “Nó không chỉ khiến phổi của bạn bốc cháy hoặc khiến bạn đau đầu kinh khủng, khiến bạn cảm thấy đau khổ hoặc khiến bạn thở gấp, nó còn tàn phá trạng thái tinh thần của bệnh nhân."
Kể từ khi bất kỳ ai mắc Covid-19 nhập viện, họ về cơ bản bị cắt đứt với hầu hết mọi thứ quen thuộc. Bác sĩ Meilinh Thi chia sẻ: “Rất nhiều bệnh nhân đã nói với tôi về sự cô lập và sự cô đơn như thế nào. Và nhiều người chán nản."
Tất cả những thách thức này đều có tác động "tích lũy" đến bệnh nhân. “Nếu bạn đặt mình vào vị trí ở trong bệnh viện trong hai, ba tuần, khi bạn liên tục thở gấp, không được liên hệ với người thân trong gia đình thường xuyên vì họ không thể đến thăm bạn - điều đó sẽ khiến bạn vô cùng lo lắng. Thật đáng sợ!" - bác sĩ Remy nói.
"Thông thường, nếu bố, mẹ hoặc vợ/chồng của bạn đang ở trong bệnh viện và bị ốm nặng, bạn sẽ ở bên cạnh nắm tay họ" - Remy chia sẻ thêm. "Tuy nhiên, với Covid-19, lần liên lạc quý giá cuối cùng của bệnh nhân với gia đình có thể là vài ngày hoặc vài tuần trước đó".
Mặc dù mỗi người đều có những chia sẻ khác nhau qua quá trình họ trải nghiệm chăm sóc bệnh nhân, thế nhưng điểm chung đó đều là khoảng kí ức khủng khiếp. Vì vậy, các chuyên gia y tế luôn khuyên chúng ta hãy cố gắng thực hiện điều nhỏ nhặt nhất là đeo khẩu trang để không phải trở thành nạn nhân chìm vào cơn hôn mê ám ảnh này.