Mới đây, hàng chục khách hàng mua đất tại dự án “ma” Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc (dự án Viet-Inc) đã tập trung tại trụ sở Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi số tiền 248,7 tỷ đồng.
- Bảy dự án bãi đỗ xe ngầm "nằm trên giấy", người dân Hà Nội ngột ngạt do thiếu điểm đỗ ô tô
- Chủ đầu tư xẻ thịt đất công bán ‘tung hỏa mù’ để né sai phạm
Bỏ tiền tỷ mua dự án “ma”
Theo phản ánh của khách hàng, từ năm 2010 đến 2011, có 148 khách hàng đã bỏ hàng tỷ đồng mua đất tại dự án dự án Viet-Inc nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là ruộng trồng rau. Bỏ ra tiền tỷ nhưng người dân chỉ nhận đất trên giấy. Thậm chí, năm 2018 Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt thực hiện dự án nhưng tiền của cả trăm khách hàng bỏ ra mua đất tại dự án vẫn bị chiếm đoạt.
“Chúng tôi đều là những người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST (Công ty TST). Số tiền lên tới 265 tỷ đồng bằng việc bán khống đất tại dự án Việt-Inc. Vụ việc lừa đảo đã được đưa ra xét xử, người phạm tội lừa đảo đã bị xử phạt tù”, một khách hàng cho biết.
Liên quan đến dự án này, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngày 7/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao cho Công ty CP Tài chính và Bất động sản Việt (viết tắt là Công ty BĐS Việt) làm chủ đầu tư và thực hiện dự án Viet-Inc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay là TP.Hà Nội).
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt sau đó 1 tuần, dự án không có nhà liền kề mà chỉ có 71 biệt thự cao cấp với diện tích từ 280-450m2, nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng…
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội năm 2008, dự án phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch. Từ đó đến nay dự án chưa triển khai thêm bước nào theo trình tự quy định, chưa điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư.
Tuy nhiên, tháng 7/2009, Công ty BĐS Việt ký kết “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Công ty Hưng Hải về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án Viet-Inc qua đó Công ty Hưng Hải sở hữu 90% quyền thực hiện dự án với giá trị gần 57,6 tỷ đồng.
Năm 2010, Công ty Hưng Hải lại ký “Hợp đồng về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án” với Công ty TST. Với hợp đồng này, Công ty TST tham gia vào dự án sở hữu 90% quyền đầu tư và hưởng lợi từ dự án Viet-Inc “thế chỗ” Công ty Hưng Hải. Công ty TST phải trả cho Công ty Hưng Hải số tiền là 295 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền Công ty Hưng Hải bỏ ra ban đầu.
Sau hợp đồng trên, mặc dù biết rõ dự án chưa có quyết định thu hồi, chưa giải phóng mặt bằng, Công ty TST không phải là chủ đầu tư, không được phép huy động vốn và trong quy hoạch không có nhà liền kề nhưng với mục đích để thu được lợi nhuận cao và có tiền trả cho Công ty Hưng Hải,khi ấy Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TST đồng ý cho Nguyễn Thị Minh Thương -Trưởng ban quản lý dự án thuê vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 trong đó có nhà liền kề, lô đất nhà vườn…
Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua đất họ đưa ra bản đồ quy hoạch giả cùng các thông tin gian dối là dự án thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang trong quá trình san lấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng để khách hàng tin tưởng và giao tiền.
Khách hàng tố Công ty Hưng Hải chiếm giữ 248,7 tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, cáo trạng số 04/CT-VKSHN-P3 ngày 24/12/2018 và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà đã xác định rõ việc chuyển nhượng dự án Viet-Inc giữa các pháp nhân nói trên và xác định rõ Công ty Hưng Hải đang chiếm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các bị hại có mặt tại trụ sở Công ty Hưng Hải sáng ngày 10/8 vừa qua cho biết, dù Công ty Hưng Hải đã nhận 248,7 tỷ đồng do Công ty TST huy động trái phép của khách hàng mới có để chuyển sang, nhưng khi đến tòa án, Công ty Hưng Hải được mời đến dự với vai trò người làm chứng, không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc này đã khiến các bị hại bức xúc, nghi ngờ phiên tòa thiếu minh bạch, khách quan.
“Việc Công ty Hưng Hải thực hiện chuyển nhượng dự án với TST được tiến hành song song với việc TST bán dự án cho khách hàng. Tức là tại cùng một thời điểm, Công ty Hưng Hải và TST cùng bán thứ không có, như vậy là lừa đảo. Công ty Hưng Hải cũng biết rõ tại thời điểm hai pháp nhân giao dịch thì TST không có năng lực tài chính, cũng không có bất cứ một tài sản đảm bảo nào chứng minh có đủ 295 tỷ đồng để trả nhưng vẫn chấp nhận giao dịch. Hưng Hải nhận thức rõ hành vi của mình là trái luật nhưng vẫn tiến hành giao dịch mặc cho hậu quả xảy ra là cố ý phạm tội”, một đại diện khách hàng cho biết.
Thế nhưng, điều khiến các bị hại bức xúc hơn cả là vụ việc sau đó bị đẩy sang giải quyết dân sự Công ty Hưng Hải kiện đòi Công ty TST số tiền hơn 40 tỷ đồng tiền mua dự án.
Ông Lê Văn Thuế ở quận Ba Đình (TP. Hà Nội) cho biết, ngày 9/12/2015, cơ quan CSĐT PC 46 CA TP.Hà Nội đã lập biên bản và ra quyết định thu hồi số tiền 248,7 tỉ đồng để trả lại cho các bị hại. Tuy nhiên từ đó đến nay, Công ty Hưng Hải vẫn chưa chịu trả tiền.
Theo bản án sơ thẩm ngày 29/3/2019, Toà án nhân dân TP.Hà Nội xác định, trong các năm 2010 và 2011, theo hình thức hợp đồng vay vốn đầu tư (thực chất là mua bán đất) Cường và Thương đã nhận và chiếm đoạt của 148 khách hàng là 265,2 tỷ đồng.
Đối với Công ty Hưng Hải, Công ty TST đã chuyển 248,7 tỷ đồng cho công ty này trong tổng số 295 tỷ đồng tiền theo Hợp đồng hợp tác đã ký kết.
Tại bản án sơ thẩm cũng nêu rõ: “Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng do Công ty Hưng Hải nhận của Công ty TST nhưng công ty Hưng Hải không chấp hành”.
Được biết, phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc đã khép lại. Trong đó, bị cáo Phạm Mạnh Cường (sinh năm 1952, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST) lĩnh mức án chung thân và Nguyễn Thị Minh Thương (sinh năm 1964, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án) bị phạt 20 năm tù. Ngoài mức hình phạt trên, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Công ty TST phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho các khách hàng.
Cơ quan điều tra đã xác định số tiền TST huy động vốn trái phép của các khách hàng là 265,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có 88 bị hại đến trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là 166,7 tỉ đồng. Số tiền trên, Công ty TST đã đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Minh Thương 249 tỉ đồng để thanh toán hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Công ty Hưng Hải, nơi đang cầm giữ số tiền trên.
Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội và Viện kiểm sát đã có những văn bản tố tụng khẳng định số tiền 248,7 tỷ đồng mà Công ty TST thu được của khách hàng đã được chuyển đến Công ty Hưng Hải thông qua 34 phiếu chi tiền mặt cho bà Thương nhân viên công ty TST để nộp trực tiếp cho Công ty Hưng Hải.
Các cơ quan tố tụng khẳng định, số tiền này Công ty TST đã thu của 148 bị hại và số tiền này do lừa đảo mà có được, chính là tang vật của vụ án này.
Theo bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015, những tang vật vụ án là tiền thuộc về các bị hại thì phải trả lại cho bị hại. Có nghĩa là, Công ty Hưng Hải phải trả tiền các bị hại.
“Số tiền Công ty Hưng Hải đang giữ là số tiền lớn. Tôi cho rằng, nếu làm đúng, các cơ quan tố tụng phải ra các biện pháp tư pháp như tịch thu, phong tỏa, kê biên số tiền của Công ty Hưng Hải đang chiếm giữ thì mới kịp thời đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chậm đưa ra các biện pháp tư pháp sẽ gây thiệt hại lớn cho các bị hại”, luật sư Đào Thị Liên nói.