Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành xác định thứ tự ưu tiên các dự án, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện của từng dự án.
- Hà Nội: Chủ dự án EcoLake View 'chống lệnh' phường, không đối thoại với dân?
- Dự án nghìn tỷ Central Residence Bình Dương bị “tuýt còi”, cấm giao dịch
Cụ thể, đối với dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2, thành phố yêu cầu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư đối với phần xây lắp đoạn 1 và đoạn 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) để UBND TP trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 7/2019.
Đồng thời, rà soát hợp đồng dự án đối với đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) đang được nhà đầu tư triển khai thi công theo hình thức PPP (Hợp đồng BT). Cạnh đó, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công đối với đoạn 4 (từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) để UBND TP trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2019.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải để tham mưu UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Đối với các dự án cửa ngõ (Quốc lộ 1, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An; Quốc lộ 22, đoạn qua TPHCM; Quốc lộ 50, đoạn qua TP.HCM và Quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu) và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công, báo cáo Thường trực UBND TP vào giữa tháng 7/2019.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc được giao nhiệm vụ sớm đề xuất phương án khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị; báo cáo UBND TP chậm nhất vào cuối quý 3/2019.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu phương án thành lập nguồn quỹ từ ngân sách để phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
Được biết, theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4) với tổng chiều dài 351km.
Tuyến đường Vành đai 2 dài hơn 64km, quy mô 6-10 làn xe, hiện đã đầu tư được hơn 54km nhưng chậm tiến độ, chưa hoàn thành do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Để khép kín đường vành đai 2, TP.HCM cũng cần đầu tư 3 đoạn còn lại gồm: từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3km. Đây là khu vực có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.
Trong khi đó, đối với Vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có tờ trình gửi Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Theo UBND TP.HCM, tuyến Vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của TP.HCM, giúp hạn chế phương tiện đi qua thành phố để lưu thông theo hướng đông tây, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.
Do vậy, UBND TP.HCM cũng có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án. Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn vốn giải phóng mặt cho hai đoạn tuyến Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức đoạn đi qua địa phận TP.HCM khoảng gần 3.000 tỷ đồng.