Trong quý 2/2019, TP.HCM sẽ tập trung giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thực hiện 124 dự án chậm triển khai trên địa bàn.
- Thủ tướng ‘thúc’ việc kiểm tra 2.000ha đất dự án bỏ hoang ở Hà Nội
- Chủ "biệt thự" không phép xây trên 2000m2 đất công tại Hà Nội là ai?
Thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở ban ngành liên quan tạo điều kiện cho chủ đầu tư 124 dự án chậm triển khai được thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo. Bởi lẽ, những dự án bất động sản này đang được chủ đầu tư triển khai dở dang nhưng phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh kiểm tra, điều tra nên đang vướng mắc nhiều thủ tục.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hàng trăm dự án đang bị tạm ngưng triển khai để chờ rà soát, thanh tra nói trên.
Theo HoREA, việc thanh tra kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản như lãi vay ngân hàng tăng, mất cơ hội kinh doanh. Không những vậy, tình trạng này kéo theo số lượng nhà ở đưa ra thị trường giảm đáng kể, không đáp ứng được nhu cầu thật của người tiêu dùng, tê liệt thị trường bất động sản, giảm thu ngân sách…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng thành phố cần công bố danh mục 124 dự án để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các Sở, ngành nhằm hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Việc này còn giúp cho người mua nhà yên tâm.
Đồng thời, UBND TP.HCM cần phân loại những dự án thành các loại để có phương án xử lý phù hợp. Cụ thể, trong quá trình thanh, kiểm tra các dự án đất công thuộc diện bị thu hồi thì cơ quan này đề nghị chia ra làm 3 nhóm chính để có phương án xử lý phù hợp.
Nhóm 1 bao gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất.
Nhóm 2 bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn thì yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước (nếu có).
Nhóm 3 bao gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án bất động sản thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính, nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định đình chỉ thực hiện dự án hoặc quyết định khởi tố điều tra thì được tiếp tục giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án.