Tòa tháp hoang tàn giữa Thủ đô: 10 năm ôm cục nợ hoành tráng

Thị trường 29/03/2019 13:14

Nhiều tháp văn phòng bỏ hoang cả thập kỷ là cục nợ mà nhiều chủ đầu tư khó có thể cắt được trong bối cảnh hiện nay. Đó là hậu quả từ một cuộc đua xây dựng những toà nhà văn phòng cho thuê hoành tráng thể hiện đẳng cấp.

Ác mộng toà nhà bỏ hoang

Làn sóng xây văn phòng cho thuê khi thời kỳ kinh tế bùng nổ, cộng với những dự báo “hốt bạc” của các công ty tư vấn, khiến không ít chủ đầu tư dốc trăm tỷ đầu tư toà nhà. Nhưng sau đó, thị trường xuống dốc kéo theo hệ luỵ những toà văn phòng ở vị trí đắc địa bỏ hoang hoặc chủ đầu tư phải sang tay để bớt gánh nợ.

Đi dọc đường Phạm Hùng, người ta dễ dàng nhận ra những toà tháp văn phòng đã xong thô nhưng tới nay vẫn bỏ không cả thập kỷ. Toà nhà văn phòng của do Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.

Tòa tháp hoang tàn giữa Thủ đô: 10 năm ôm cục nợ hoành tráng - Ảnh 1

Nhiều dự án toà nhà văn phòng nghìn tỷ đang đắp chiếu trên địa bàn Hà Nội  (Ảnh: Duy Anh)

Dự án Vicem Tower được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam, với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.

Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau ba năm, nhưng đến nay, công trình Dự án Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô và chủ đầu tư đã phải lùi thời hạn hoàn tất sang quý III.2017.

Nhưng, đến thời điểm hiện tại, công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp. Số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với ban đầu.

Dự án này đã phải xin chuyển nhượng, theo báo cáo của Vicem, là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo khi xin chuyển nhượng chỉ 28 USD/tháng). Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Cũng trong tình cảnh tương tự, toà tháp văn phòng Apex Tower gồm 27 tầng nổi và 3 tầng hầm có diện tích 2.400 m2, trong đó, khối đế thương mại 6 tầng và 21 tầng văn phòng. Tổng diện tích sàn xây dựng 40.000 m2, trong đó diện tích cho thuê khoảng 26.000 m2.

Apex Tower được khởi công xây dựng vào tháng 6/2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD do CTCP Tòa nhà Cavico làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án được hoàn thành vào quý II/2012.

Loay hoay tái cơ cấu

Chậm tiến độ nhiều năm, các chủ đầu tư đang tìm cách tái cơ cấu hoặc chuyển nhượng dự án. HĐQT Vietinbank đã trình cổ đông phương án cơ cấu lại Dự án đầu tư tòa nhà Trụ sở chính tại Ciputra, trong đó ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ.

Dự án đầu tư tòa nhà Trụ sở chính Vietinbank tại Ciputra được cổ đông nhà băng này thông qua từ năm 2013. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng và được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng.

Tòa tháp hoang tàn giữa Thủ đô: 10 năm ôm cục nợ hoành tráng - Ảnh 2

Tháp văn phòng nghìn tỷ bỏ hoang

HUD Tower cũng là một trong những dự án nghìn tỷ được HUD đầu tư giai đoạn trước 2011 với tổng mức đầu tư được cho là 2.000 tỷ đồng. Một toà nhà văn phòng nghìn tỷ thể hiện rất rõ tham vọng của HUD lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vì thiếu vốn nên dư án này không thể hoàn thiện đúng kế hoạch, nhiều lần phải tạm dừng thi công. Đến nay, sau 8 năm thi công công trình mới đang bước vào hoàn thiện để khai thác sử dụng.

Thời gian qua, HUD liên tục đưa ra phương án muốn bán toà bộ dự án này để thu hồi vốn. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được chuyển nhượng thành công.

Toà nhà văn phòng Lucky Tower I, do Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư, sau thời gian dài bỏ hoang đang chuyển thành khách sạn. Có lẽ, tình trạng cho thuê không mấy khả quan của Viet Tower Số 1 Thái Hà - nằm đối diện với dự án khiến cho toà nhà này không về đúng hẹn.

Được khởi công trong năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011, tuy nhiên kể từ khi xây xong phần thô khối nhà 21 tầng, dự án bất ngờ đình trệ suốt nhiều năm.

Ngay cả những toà nhà đã đi vào hoạt động chủ đầu tư cũng muốn bán. Đơn cử như PVI Holdings muốn chuyển nhượng tòa nhà PVI Tower. Tòa nhà PVI được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 4.950m2, trong đó, diện tích xây dựng khoảng 2.150m2. Công trình cao 26 tầng với tổng diện tích sử dụng khoảng 54.000 m2 và 2 tầng hầm rộng 8.800m2 với quần thể văn phòng cho thuê, nhà hàng, khu giải trí.

Tòa nhà đã đi vào sử dụng từ năm 2013. PVI dự định có thể chuyển nhượng tòa nhà PVI Tower nếu đạt được mức lợi nhuận khả quan. Trước đó, theo báo cáo của MBS, diện tích còn lại của tòa nhà văn phòng hạng A này là khoảng 44.000 m2, hiện đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, với mức giá thuê ước tính khoảng 21 USD/m2/tháng.

May mắn hơn, nhiều chủ đầu tư đã vội sang tay dự án khi còn đang thi công. FPT đã quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án Tòa nhà FPT 89 Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội) do thấy không hiệu quả.

Tòa nhà FPT 89 Láng Hạ được xây dựng trên diện tích 2700 m2, có vị trí đắc địa với hai mặt tiền ngay ngã tư Láng Hạ - Thái Hà. Theo thiết kế, Tòa nhà cao 27 tầng nổi, 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 26.000 m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 33 triệu USD.

Đại diện FPT cho biết, nếu tiếp tục đầu tư thời điểm đó thì số vốn cần bỏ ra là hơn 600 tỷ đồng trong khi tỷ lệ sử dụng lại thấp. FPT sẽ dành vốn để tập trung vào các dự án công nghệ thông tin.

Có thể nói, văn phòng cho thuê không hề tươi đẹp dù thị trường đã có sự thay đổi. Áp lực nguồn cung lớn từ Keangnam hay Lotte khiến nhiều chủ đầu tư lao đao trong thời gian dài. Sự ra đời của mô hình làm việc chia sẻ cũng là áp lực lớn mà các văn phòng cho thuê phải đối mặt.

Đại gia Nhật xây khu du lịch 5 sao ven biển Đà Nẵng

Dự án mở rộng Khu Du lịch Xuân Thiều được xây dựng trên diện tích trên 12ha đối diện vịnh biển Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do Tập đoàn khách sạn Mikazuki (Nhật Bản) làm chủ đầu tư vừa khởi công sáng nay.

TIN MỚI NHẤT