Dân đầu tư lướt sóng ôm hận vì chạy theo "ông lớn" bất động sản

Thị trường 15/09/2020 06:04

Thực tế có khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) BĐS lao vào thị trường theo cách ở đâu có ông lớn đổ về, ở đó BĐS sôi động, đa số là đầu tư lướt sóng theo thông tin để kiếm lời trong khoảng thời gian ngắn.

Đầu tư BĐS kiểu "chạy" theo thông tin

Không thể phủ nhận, nhiều NĐT BĐS thắng lớn do đón đầu quy hoạch, hạ tầng, siêu dự án lớn triển khai... Nhất là những dự án quy mô lớn, có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS. Thế nhưng, ngược lại cũng không ít trường hợp NĐT "ôm hận" vì chạy theo những thông tin mãi chỉ nằm trên giấy.

Thực tế cho thấy, có những dự án dù mới chỉ là ý tưởng, đề xuất cũng đã gây sốt và tạo nên làn sóng đầu tư ăn theo nhưng kèm với đó là không ít rủi ro. Đặc biệt, nhiều ông lớn BĐS gầy dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường, có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS mỗi khi có thông tin về đầu tư dự án. Thậm chí, dù chỉ mới "manh nha" các thông tin về ông lớn kéo về làm dự án đã được đồn thổi trong giới đầu tư. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cơn sốt đất diễn ra ở các khu vực từ trước đến nay.

Dân đầu tư lướt sóng ôm hận vì chạy theo 'ông lớn' bất động sản - Ảnh 1

Tâm lý của giới đầu tư, đặc biệt đầu tư lướt sóng là ở đâu có thông tin tốt liền dồn về đó để "kiếm lời". Nhiều cơn sốt đất chóng vánh diễn ra cũng từ những hoạt động mua bán qua tay của giới đầu cơ. Thậm chí, dân đầu cơ dùng các chiêu trò để thổi giá để kiếm lợi từ NĐT khác. Bài học nhãn tiền đã để lại từ nhiều cơn sốt đất ở các khu vực phía Bắc, phía Nam. Rất nhiều NĐT thứ cấp "cuối cùng" phải ôm những quả bom nổ chậm, chôn vốn vì đầu tư kiểu lướt sóng, chạy theo thông tin.

"Ông lớn" rút dự án, dân đầu tư như ngồi trên đống lửa

Mới đây, khi có thông tin một tập đoàn có văn bản gửi UBND tỉnh Long An về việc xin rút khỏi dự án có quy mô 3.490ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hoà, huyện Bến Lức gây xôn xao trong giới đầu tư BĐS. Lý do là để tập trung cho các dự án đô thị mới tại huyện Đức Hòa và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Dân đầu tư lướt sóng ôm hận vì chạy theo 'ông lớn' bất động sản - Ảnh 2

Bên cạnh nhiều NĐT hái quả ngọt thì cũng không ít NĐT nếm trái đắng vì không thoát được hàng

Việc rút dự án đầu tư ảnh hưởng phần nào đến hoạt đông đầu tư BĐS ở các khu vực này. Bởi trước đó, khi có thông tin ông lớn này về đây làm dự án thì nhiều NĐT đã đổ về để gom đất chờ những động thái triển khai của dự án. Khi dự án chính thức rút, chắc chắn sẽ có nhiều NĐT BĐS đổ vỡ, ôm hận.

Bài học về việc "chạy" theo thông tin tạo sóng chóng vánh cũng đã diễn ra trước đó, tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngay sau khi có thông tin về việc một Tập đoàn BĐS đề xuất xin khảo sát thực hiện hai dự án quy mô hơn 800ha tại đây, ngay lập tức "sóng" đầu tư BĐS tràn về.

Thời điểm đó, chỉ trong vài ngày đã có nhiều giao dịch BĐS diễn ra, giới đầu cơ thổi giá đất tăng chóng mặt từng giờ. Tuy nhiên, cơn sốt đất này chỉ kéo dài khoảng hơn chục ngày rồi hạ nhiệt khi chính quyền vào cuộc, công khai thông tin về việc dự án chỉ mới nằm ở mức ý tưởng, đề xuất. Cơn sốt đất Bình Ba khiến không ít NĐT thứ cấp phải "khóc ròng" vì không kịp thoát.

Tương tự, tại khu vực phía Bắc, cơn sốt đất ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng bùng phát theo đúng "mô típ" ăn theo ông lớn BĐS. Khi một tập đoàn BĐS đề nghị xây dựng 2 khu đô thị tại địa phương này, ngay lập tức cơn sốt đất diễn ra, giá đất khu vực này tăng chóng mặt và tụt dốc không phanh khi công an vào cuộc, cho rằng các thông tin về khu đô thị chỉ mới trên ý tưởng, đề xuất.

Quả thực, trong BĐS, chỉ cần thông tin từ một văn bản, một đề xuất là đã đủ để khiến cho những NĐT "bỏ tiền" chóng vánh. Bên cạnh những NĐT có được lợi nhuận "không tưởng" thì cũng không ít người lao đao vì không thoát được ra, thậm chí vỡ nợ.

Trả lời trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho rằng, việc đầu tư đón đầu các đại dự án lớn cũng giống như con dao hai lưỡi. Trường hợp chạy đua gom đất để đón đầu dự án nếu thuận buồn xuôi gió, đại dự án được chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp triển khai xây dựng thì nhà đầu tư sẽ "hốt bạc" vì đã mua được quỹ đất giá rẻ trước đó.

Ngược lại, nếu đại dự án không được chấp thuận, hay doanh nghiệp chỉ khảo sát rồi bỏ cuộc thì nhà đầu tư nếu ôm đất trước đó sẽ rất nguy hiểm vì khả năng thoát hàng là rất thấp. Đặc biệt, với những người sử dụng đòn bẫy tài chính để đầu tư càng rủi ro, tài sản bị chôn vùi.

Ông Hậu cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tham gia cuộc chơi này đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm và nắm bắt được thông tin đa chiều. Tốt nhất chỉ nên xuống tiền khi có những cơ sở nhất định như chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp được giao đất. Còn nếu dự án chỉ mới ở mức khảo sát quy hoạch thì việc đầu tư đón đầu là rất rủi ro.

Vì sao hàng loạt BĐS có giá hàng trăm tỉ đồng được ngân hàng nhiều lần phát mãi với giá giảm 15-25%?

Theo một vị lãnh đạo ngân hàng, các tài sản giá trị vài chục tỉ đồng đã phải mất tới 5-9 lần hạ giá với mức giảm 15-25% mới có thể thanh lý. Nhiều dự án khu công nghiệp có giá trị trên dưới 1.000 tỉ rao bán nhiều lần, giảm giá hàng trăm tỉ nhưng đến nay vẫn không có NĐT tham gia.

TIN MỚI NHẤT