Khi tìm thấy thi thể của Người băng Otzi trên dãy Alps, những người leo núi chỉ nghĩ rằng đó là một người xấu số nào đó bị tử nạn tại đây mà không ngờ đó là xác chết 5.300 năm về trước.
- Hình phạt tra tấn tàn bạo nhất thời cổ đại: Gây đau đớn giày vò thôi chưa đủ, thứ dụng cụ này còn "mua vui" cho kẻ hành hình
- Hủ tục là phẳng ngực: Nhân danh "bảo vệ" trẻ em không bị quấy rối tình dục nhưng thực chất để lại nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần
Xác ướp của Người băng Otzi
Tìm thấy thi thể của một ai đó trên đường leo núi luôn là một việc đáng sợ. Nhưng rùng mình hơn cả, người chết là nạn nhân của một vụ án mạng xảy ra cách đây hơn 5.000 năm về trước. Đó là câu chuyện của cặp vợ chồng Helmut và Erika Simon. Cả hai tình cờ phát hiện thi thể của Người băng Otzi trên dãy Alps vào ngày 19/9/1991 và mở ra một loạt những sự kiện mang tính lịch sử.
Ban đầu, Helmut và Erika chỉ đơn giản cho rằng đó là thi thể của một người xấu số gặp nạn khi đang leo núi. Thế nhưng, khi cảnh sát Áo có mặt tại hiện trường, họ mới xác định đây là vụ việc đặc biệt.
Trong 3 ngày tiếp theo, một nhóm các nhà khảo cổ tiến hành phân tích thi thể đóng băng kia tại một trung tâm khám nghiệm y học ở Innsbruck, Áo. Tại đây, họ gọi xác ướp kia là Người băng Otzi, chết trong khoảng thời gian từ 3.350 đến 3.100 trước Công nguyên.
Điều đặc biệt giúp Người băng Otzi khác với những xác ướp Ai Cập và Incan được khí hậu sa mạc nóng hút hết độ ẩm, chính là nó là một cái xác ướp "ẩm ướt" nhờ vào điều kiện bảo quản hoàn hảo, giữ nguyên cơ quan nội tạng và da dẻ một cách hoàn hảo.
Bởi vì Người băng Otzi được bảo quản vô cùng tốt nên các nhà nghiên cứu đã có thể áp dụng những phương pháp khám nghiệm tử thi hiện đại. Từ đó, tuổi của Người băng Otzi được xác định là khoảng 5.300 tuổi, thi thể loài người được bảo tồn lâu nhất từng được tìm thấy.
Trong dạ dày của người này, người ta còn tìm thấy phấn hoa cho thấy ông chết vào mùa xuân hoặc hè. Trước khi qua đời, Người băng Otzi đã đi qua các độ cao khác nhau của ngọn núi này. Chưa dừng lại ở đó, người ta còn phát hiện trên người của ông có hơn 50 hình xăm được thực hiện bằng cách chà than vào những vết cắt nhỏ.
Mặc dù thi thể của Người băng Otzi đã cung cấp rất nhiều thông tin cho giới khoa học thời đó nhưng mãi đến hơn 1 thập kỷ sau, người ta mới có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của người đàn ông này. Công nghệ chụp X-quang đã chỉ ra một chi tiết trên vai trái mà trước đó người ta vô tình bỏ qua là đầu mũi tên, nghi là một vụ giết người.
Sau đó, bảo tàng nơi Người băng Otzi được bảo tồn đến hiện tại đã gọi báo cảnh sát và Thanh tra thám tử Alexander Horn bắt đầu vào cuộc điều tra. Người này cho biết tình trạng thi thể của Người băng Otzi tốt hơn rất nhiều so với những nạn nhân bị giết thời hiện đại dù có từ trước cả khi Kim Tự Tháp ra đời.
Dựa vào vết thương và đồ đạc của Người băng Otzi vẫn còn nguyên vẹn, Thanh tra Alexander kết luận đây là một vụ giết người mang tính chất cá nhân.
Lời nguyền của Người băng Otzi
Những bí ẩn xoay quanh Người băng Otzi vượt hơn cả một vụ giết người: Sau khi xác ướp được di dời ở nơi mà nó nằm lại hàng nghìn năm, người ta bắt đầu truyền tai nhau lời nguyền dành cho những ai làm phiền người đã khuất.
Người đầu tiên là Rainer Henn, chịu trách nhiệm đặt thi thể Người băng Otzi vào một chiếc túi để di dời. Năm 1992, chỉ 1 năm sau khi xác ướp đặc biệt kia được tìm thấy, Rainer đang trên đường đến dự hội nghị, nơi anh sẽ trình bày về Otzi đã không may gặp nạn và qua đời.
Kurt Fritz nhận nhiệm vụ dẫn các nhà nghiên cứu đến nơi Người băng Otzi nằm lại. Ông cũng tổ chức việc vận chuyển thi thể này nhưng một trận tuyết lở đã cướp đi sinh mạng của Kurt năm 1993. Đáng nói hơn, Kurt là một hướng dẫn viên có kinh nghiệm nhưng ông lại là người duy nhất trong đoàn thám hiểm bỏ mạng trong trận tuyết lở. Sự trùng hợp kì lạ này khiến người ta rùng mình nghĩ tới những lời nguyền xoay quanh Người băng Otzi.
Helmut Simon và Erika là 2 người tìm ra Otzi trên dãy Alps. Họ nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông cùng một khoản tiền đền bù kha khá cho khám phá của mình. Đáng tiếc, Helmut lại gánh chịu lời nguyền Otzi. Tháng 10/2004, anh mất tích trên dãy Alps. Do tình hình tuyết rơi quá dày, nhân viên cứu hộ phải mất đến 8 ngày mới tìm thấy thi thể của Helmut. Anh qua đời do rơi từ độ cao gần 100m xuống đất.
Dieter Warnecke không nằm trong đội ngũ nghiên cứu hay di chuyển Người băng Otzi nhưng cái chết của anh cũng được cho là liên quan đến thi thể của người chết từ 5.300 năm về trước. Sau khi Helmut mất tích năm 2004, Dieter dẫn đầu một đội cứu hộ tìm kiếm Helmut. Nhưng phải hơn 1 tuần sau, họ mới tìm ra thi thể của Helmut. Chỉ vài giờ sau khi đám tang Helmut diễn ra, Dieter đã lên cơn đau tim và qua đời.
Tuy nhiều cái chết như vậy đã xảy ra, chuyên gia Konrad Spindler vẫn không tin vào lời nguyền. Người đàn ông này thậm chí còn lấy lời nguyền của Người băng Otzi ra đùa trên một buổi phỏng vấn: "Tôi nghĩ đó là một mớ hỗn độn được truyền thông dựng lên. Hẳn các bạn sẽ bảo tôi sẽ là người tiếp theo dính lời nguyền". Và quả đúng như câu nói ấy, Konrad trở thành nạn nhân tiếp theo khi vào năm 2005, ông qua đời do các biến chứng của bệnh đa xơ cứng.
Rainer Holz là người duy nhất cho phép truyền thông ghi hình quá trình phục hồi thi thể Người băng Otzi và biên tập nó thành một bộ phim tài liệu dài 1 tiếng. Thế nhưng, việc công khai gương mặt của Otzi lại trở thành sai lầm của Rainer. Sau khi hoàn thành bộ phim không lâu, ông qua đời vì khối u ở não.
Tom Loy là nhà nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra bằng chứng quan trọng trên quần áo của Người băng Otzi. Kết quả nghiên cứu của ông chỉ ra rằng Người băng Otzi đã chết sau một cuộc tranh chấp với bằng chứng là vết máu trên quần áo và đồ đạc của ông. Trớ trêu thay, sau đó, Tom cũng qua đời vì bệnh di truyền về máu. Căn bệnh mà ông không hề hay biết về nó cho đến khi bắt đầu nghiên cứu thi thể của Người băng Otzi.
Vào năm 2017, 7 cái chết được cho là có liên quan đến Người băng Otzi đã xảy ra. Đó là một con số không nhỏ nhưng so với hàng trăm người cùng tham gia các cuộc nghiên cứu xoay quanh xác ướp, từ nghệ sĩ tái thiết, chuyên gia ADN đến nhân viên của bảo tàng, thì 7 người không phải là nhiều. Nếu như lời nguyền là có thật thì hẳn số người chết không dừng lại ở mức khiêm tốn như vậy.
Có thể Người băng Otzi chỉ "ám ảnh" những người có liên quan mật thiết đến vụ khám phá ra thi thể của mình hoặc tất cả những bi kịch kia không có gì khác ngoài sự trùng hợp đáng tiếc.