Qua những giấy tờ tìm được, bố của nam thanh niên phát hiện con trai đã hiến máu 16 lần trong 8 tháng trước khi cậu qua đời. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai lần hiến máu là 12 ngày.
- Thương tâm: Bà nội, bà ngoại mải đánh bài, cháu trai 5 tuổi rơi từ tầng cao chung cư xuống tử vong, vài tiếng sau mới được phát hiện
- Ăn măng khô suốt 1 tuần, người phụ nữ gặp 'họa' bất ngờ: Sốt cao, lăn lộn trên sàn nhà vì đau bụng
Theo VTC News dẫn nguồn từ Sina, chàng trai 19 tuổi Triệu Vỹ (Sơn Tây, Trung Quốc) đột ngột qua đời tại nhà vào ngày 15/1 vừa qua, khiến gia đình vô cùng đau xót. Sau khi lo hậu sự cho con trai, ông Triệu Chí Kiệt phân loại, sắp xếp đồ đạc của con mình. Qua những giấy tờ tìm được, ông phát hiện Triệu Vỹ đã hiến máu 16 lần trong 8 tháng trước khi cậu qua đời. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai lần hiến máu là 12 ngày.
Tiếp đó, ông Triệu Chí Kiệt kiểm tra lịch sử trò chuyện trên điện thoại di động của Triệu Vỹ và biết con trai mình thường xuyên đến Trung tâm huyết học Hãn Châu để hiến máu. Mỗi lần như vậy, trung tâm trả cho Triệu Vỹ một khoản phí từ 260 nhân dân tệ (khoảng 890.000 đồng) đến 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng).
Ông Triệu Chí Kiệt cũng tìm thấy danh sách kết quả kiểm tra sức khỏe do bệnh viện cấp. Đây là kết quả khám 10 ngày trước khi Triệu Vỹ đột ngột qua đời, cho biết cậu bị thiếu máu trầm trọng và nghi ngờ rối loạn chức năng tạo máu.
Những tài liệu tìm được khiến ông Triệu Chí Kiệt tin rằng sự tắc trách của Trung tâm huyết học Hãn Châu chính là nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột của con trai mình.
Phản hồi vấn đề này, Trung tâm huyết học Hãn Châu tuyên bố, Triệu Vỹ đáp ứng các yêu cầu về thể chất khi hiến máu; trung tâm làm việc nghiêm ngặt theo quy định của Nhà nước, tất cả đều hợp pháp, người nhà nếu không phục thì có thể khiếu nại, kiện cáo.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại liên tục cho Triệu Vỹ hiến máu, ảnh hưởng đến sức khỏe của cậu, phía trung tâm không trả lời.
Ủy ban Y tế quận Hãn Phủ, thành phố Hãn Châu cho biết vụ việc đang được điều tra, sẽ sớm có kết luận chính thức.
Khoảng cách giữa các lần hiến máu là bao lâu?
Khoảng cách giữa các lần hiến máu tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc hiến khối hồng cầu bằng phương pháp gạn tách là: 12 tuần;
Khoảng thời gian tối thiểu cần có giữa 2 lần liên tiếp hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là: 02 tuần;
Đối với người hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi: tối đa không hiến quá 3 lần trong 07 ngày;
Trường hợp người hiến máu hiến xen kẽ máu toàn phần và các thành phần máu khác nhau thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến sẽ được xem xét theo loại thành phần máu mà người đó đã hiến trong lần gần nhất.
Cần trì hoãn hiến máu trong trường hợp nào?
Đối tượng phải trì hoãn hiến máu tối thiểu 12 tháng kể từ:
Thời điểm sức khỏe hoàn toàn hồi phục sau các can thiệp điều trị ngoại khoa;
Thời điểm hoàn toàn khỏi bệnh sau khi mắc các bệnh lý như sốt rét, giang mai, lao, uốn ván, viêm màng não;
Thời điểm kết thúc quá trình tiêm vắc xin bệnh dại trong các trường hợp bị động vật cắn hoặc được tiêm, truyền máu, chế phẩm máu và các chế phẩm sinh học nguồn gốc từ máu khác;
Thời điểm sinh con hoặc các trường hợp phải kết thúc thai kỳ.
Đối tượng cần phải trì hoãn hiến máu tối thiểu 06 tháng kể từ các thời điểm:
Khi xăm trổ trên da;
Bấm dái tai, bấm mũi, bấm rốn hoặc các vị trí khác của cơ thể;
Phơi nhiễm máu, dịch tiết cơ thể từ người có nguy cơ hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường máu;
Thời điểm sức khỏe hồi phục hoàn toàn sau khi mắc bệnh thương hàn, nhiễm trùng huyết, bị rắn cắn, viêm tắc động tĩnh mạch, viêm tủy xương, viêm tụy.
Đối tượng cần phải trì hoãn hiến máu tối thiểu 1 tháng kể từ:
Thời điểm sức khỏe phục hồi sau khi mắc các bệnh viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da, viêm phế quản phổi, sởi, ho gà, quai bị, sốt xuất huyết, rubella, tả, kiết lỵ, quai bị;
Thời điểm hoàn thành chương trình tiêm vắc xin phòng rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG.
Đối tượng cần trì hoãn hiến máu tối thiểu 07 ngày kể từ thời điểm:
Khỏi bệnh sau khi mắc bệnh cúm, cảm lạnh, dị ứng mũi họng, viêm họng, đau nửa đầu Migraine;
Tiêm các loại vắc xin, trừ các loại đã được liệt kê ở phía trên.
Một số quy định về việc hiến máu liên quan đến nghề nghiệp và hoạt động đặc thù của nhóm đối tượng làm công việc như sau thì chỉ hiến máu trong ngày nghỉ, hoặc thời gian quay trở lại công việc từ thời điểm hiến máu tối thiểu từ 12 giờ trở lên:
Người làm việc trên cao hoặc dưới độ sâu: phi công, người điều khiển cần cẩu, công nhân làm việc trên cao, người leo núi, thợ mỏ, thủy thủ, thợ lặn;
Người vận hành các phương tiện giao thông công cộng: lái xe buýt, tàu hoả, tàu thuỷ;
Một số trường hợp khác như vận động viên chuyên nghiệp, người vận động hoặc luyện tập nặng nhọc.
Các đối tượng còn lại ngoài những đối tượng nêu trên sẽ trì hoãn hiến máu tùy theo ý kiến và quyết định của bác sĩ khám tuyển chọn người hiến máu.
Nguồn: VinMec