Albert Einstein được sùng bái tới mức chỉ vài giờ sau khi nhà khoa học này ra đi, bộ não của ông đã bị đánh cắp và giấu trong một chiếc lọ tại nhà một bác sĩ. Tới bây giờ, cái chết của Albert Einstein và hành trình của bộ não bị đánh cắp vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn.
- Hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021 thuộc về nước nào?
- Bé gái 10 tuổi khó thở và buồn nôn liên tục, biết được nguyên nhân khiến gia đình phát hoảng
Albert Einstein được coi là nhân vật biểu tượng của thế kỷ 20. Trước khi mất, thiên tài khoa này đã để lại cho nhân loại một di sản trí tuệ tuyệt vời. Ông là bạn của Charlie Chaplin, trốn thoát khỏi ách thống trị của Đức Quốc xã khi chủ nghĩa độc tài xuất hiện, và mở đường cho một mô hình vật lý hoàn toàn mới.
Bí ẩn về cái chết của nhà bác học vĩ đại nhất lịch sử
Khi Albert Einstein được đưa tới bệnh viện năm 1955, ông biết mình đang cận kề cái chết. Nhà vật lý 76 tuổi người Đức khi ấy đã sẵn sàng ra đi. Ông thông báo rõ ràng với bác sĩ rằng mình không muốn nhận sự can thiệp y tế.
“Tôi muốn ra đi khi tôi muốn”, ông nói. “Kéo dài cuộc sống bằng các biện pháp nhân tạo thật vô vị. Tôi đã sống hết phần đời của mình, đã đến lúc phải đi rồi. Tôi sẽ làm điều này một cách nhẹ nhàng nhất”.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Einstein đang bận rộn viết một bài phát biểu cho lễ kỷ niệm 7 năm Quốc khánh Nhà nước Israel. Đột nhiên, ông bị phình động mạch chủ ở bụng - hiện tượng xảy ra khi động mạch chủ phình to và vỡ. Einstein đã từng mắc căn bệnh này trước đây và phải làm phẫu thuật vào năm 1948. Tuy nhiên, lần này ông từ chối điều trị.
Vào ngày 17/4/1955, Albert Einstein đã từ giã cõi đời ở tuổi 76.
Theo suy đoán của một số người, nguyên nhân tử vong của ông có liên quan tới bệnh giang mai. Một vị bác sĩ từng là bạn ông cho biết, chứng phình động mạch chủ vùng bụng có thể là hậu quả của bệnh giang mai. Vì thế, một người có vô số người tình như Albert Einstein rất có đã mắc bệnh này.
Tuy nhiên, khi khám nghiệm tử thi của Einstein, các bác sĩ không phát hiện ra dấu hiệu nào của bệnh giang mai.
Nhiều người tin rằng cái chết của Einstein có thể là do một yếu tố khác gây ra: thói quen hút thuốc bấy lâu nay của ông. Một nghiên cứu đã chứng minh, nam giới hút thuốc có tỷ lệ mắc chứng phình động mạch chủ cao gấp 6,7 lần bình thường.
Vào ngày Einstein qua đời, Bệnh viện Princeton (Mỹ) đầy ắp phóng viên và người đến viếng.
“Mọi thứ thật hỗn loạn”, phóng viên tạp chí LIFE Ralph Morse cho biết. Tuy nhiên Morse đã kịp chụp vài tấm ảnh biểu tượng về ngôi nhà của Einstein sau khi ông mất. Phóng viên này đã chụp lại giá sách lộn xộn, những phương trình nguệch ngoạc trên bảng đen, những tờ giấy nhớ dán đầy trên bàn.
Tuy nhiên, tạp chí LIFE đã không đăng tải những tấm ảnh mà Morse chụp, bởi con trai của Einstein đã khẩn cầu tạp chí này tôn trọng sự riêng tư của gia đình. Mặc dù LIFE đồng ý với nguyện vọng của gia đình, không phải ai cũng vậy.
Hành trình của bộ não bị đánh cắp
Trên thực tế, chỉ vài tiếng sau khi nhà khoa học này qua đời, vị bác sĩ chịu trách nhiệm khám nghiệm tử thi ông đã tách riêng bộ não ra khỏi cơ thể, rồi mang về nhà mình mà không có sự cho phép của gia đình Einstein.
Tên của vị bác sĩ đó là Thomas Harvey. Ông ta tin rằng bộ não của một nhà bác học như Einstein cần phải được giữ lại để nghiên cứu.
“Ông ấy đã đặt nhiều hy vọng vào bộ não đó”, Carolyn Abraham - người từng gặp Harvey khi đang nghiên cứu cuốn sách Possessing Genius: The Bizarre Odyssey of Einstein's Brain. “Tôi nghĩ ông ấy mong muốn tạo dựng được tên tuổi trong ngành y theo cách mà ông ấy đã không thể làm trước đây. Và rồi một ngày nọ, ông ấy đi làm và phát hiện Albert Einstein đang nằm trên bàn giải phẫu”.
Ban đầu, người con trai tên Hans của Einstein đã vô cùng tức giận khi biết Harvey lấy cắp bộ não của cha mình. Di nguyện của Einstein là được hỏa táng và rải tro trong bí mật để đề phòng có kẻ nhòm ngó. Tuy nhiên, Harvey đã cố gắng thuyết phục Hans rằng mình đang “làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất thời đại - bí quyết tạo nên các thiên tài”. Rốt cuộc con trai của Einstein cũng xuôi lòng.
Harvey đã tỉ mẩn chụp ảnh lại bộ não và chia nó thành 240 phần. Ông còn gửi vài tiêu bản cho các nhà nghiên cứu khác; một trong số đó được tặng cho cháu gái của Einstein vào thập niên 90, dù bà đã từ chối. Harvey bảo quản não của Einstein trong các hũ thủy tinh, rồi đặt vào máy làm lạnh bia và che đậy bởi các thùng carton đựng nước táo lên men.
Steven Levy - một nhà báo từng đến nhà Harvey - đã miêu tả các tiêu bản não: "Một vật nhăn nheo màu đất nung, có hình dạng như vỏ ốc xà cừ. Nó có kích thước bằng nắm tay màu xám nhạt với những đường gân rõ và thẳng hàng. Trong một hũ khác, những sợi màu hồng trắng phồng ra như những sợi chỉ nha khoa".
Bộ não kỳ lạ làm nên một thiên tài
Năm 1985, Harvey đã công bố nghiên cứu về bộ não của Einstein. Ông nhận thấy nó thực sự khác biệt so với những bộ não bình thường, do đó nó cũng hoạt động theo cách rất khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này đã bác bỏ giả thuyết này, dù một số người vẫn đồng tình với kết luận của Harvey.
Bà Marian Diamond - chuyên gia tại Đại học California (Mỹ) đã nhận được 4 mẫu vật não của Einstein và nghiên cứu chúng trong 6 tháng. Trong báo cáo năm 1985, bà cho biết, phần não bên trái của Einstein có số tế bào thần kinh đệm nhiều hơn 73% so với não bình thường. Tế bào thần kinh đệm cố định nơ-ron thần kinh, giúp cung cấp nhiều oxy và dinh dưỡng hơn.
Britt Anderson của ĐH Alabama (Mỹ) lại nhận được phần vỏ não của Einstein. Theo ông, khả năng xử lý thông tin của Einstein có thể nhanh hơn do các nơ-ron thần kinh của ông được xếp gần nhau hơn. Tuy nhiên, số lượng nơ-ron vẫn tương đương người bình thường.
Năm 1999, Sandra Witelson đến từ Đại học McMaster (Canada) đã nghiên cứu những tấm ảnh chụp lại não bộ của Einstein. Bà nói rằng tiểu thùy đỉnh dưới - phần não phụ trách khả năng nhận thức không gian và tính toán - rộng hơn và được tích hợp tốt hơn so với bình thường. Theo Witelson, hình dạng của bộ não liên quan đến tư duy của Einstein, trong đó ông tự miêu tả là “từ ngữ không đóng vai trò quan trọng”, nhưng “hình ảnh ít nhiều rõ ràng”.
Năm 2012, nhà nhân chủng học Dean Falk đã có dịp quan sát bộ não Einstein thông qua những tấm ảnh Harvey chụp. Bà nhận thấy não của thiên tài vật lý này có thêm một vạch kẻ rộng ở thùy giữa trong não, dùng để lên kế hoạch và ghi nhớ. Hầu hết mọi người chỉ có 3 vạch, nhưng Einstein lại có đến 4.
Ngoài ra, Falk còn phát hiện thùy đỉnh não của Einstein bất đối xứng rõ rệt, não có một núm nhỏ ngay trên dải nếp nhăn. Đây là “dấu hiệu omega”, thường xuất hiện ở những nhạc công thuật tay trái. Bản thân Einstein cũng biết chơi violin.
Dù vậy, các nhà khoa học thừa nhận họ chắc chắn những đặc điểm khác biệt trên bộ não của Einstein có liên quan mật thiết tới trí tuệ thiên tài của ông không. Không chỉ là một nhà bác học thiên tài, ông còn nói được 2 ngôn ngữ, biết chơi nhạc cụ và mắc chứng tự kỷ.
Nhờ Harvey, nhân loại đã có cơ hội được tìm hiểu về bộ não thiên tài của Albert Einstein. Tuy nhiên, việc sở hữu bộ não này đã khiến cuộc đời ông đảo lộn hoàn toàn. Sau nhiều tranh cãi, Harvey rơi vào cảnh thất nghiệp và ly hôn, thậm chí còn bị tước giấy phép hành nghề y vào năm 1988.