Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nhật Bản cảnh báo về mùa đông 'ác mộng'

Thế giới 06/10/2021 10:28

Một chuyên gia nói rằng sự kết hợp của các ngày lễ châu Á và phương Tây vào dịp cuối năm có thể dẫn đến một ‘cơn ác mộng’ COVID-19.

Số ca nhiễm COVID-19 của Nhật Bản đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần một năm trong khi các khu vực khác của châu Á đang phải vật lộn với số ca nhiễm gia tăng. Và điều này đang khiến các chuyên gia y tế bối rối và lo ngại về sự gia tăng trở lại của COVID-19 vào mùa đông này, hãng tin Reuters đưa tin.

Số ca mắc mới trong một ngày ở Tokyo đã giảm xuống còn 87 ca vào ngày 4/10, mức thấp nhất kể từ ngày 2 tháng 11 năm ngoái. Đây là sự sụt giảm nhanh chóng từ hơn 5.000 ca một ngày trong làn sóng COVID-19 tháng 8.

Xu hướng này đang diễn ra trên toàn Nhật Bản.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nhật Bản cảnh báo về mùa đông 'ác mộng' - Ảnh 1
Người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại một khu mua sắm ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 9 tháng 9 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Kim Kyung-Hoon

 

Sau một khởi đầu chậm chạp, Nhật Bản sau đó đã tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Và gần sáu tháng áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp có thể đã giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.

 

Tuy nhiên, việc số ca nhiễm giảm mạnh trong những ngày gần đây đã khiến các chuyên gia bối rối.

Chuyên gia Hiroshi Nishiura của Đại học Kyoto, Nhật Bản, là một trong số những người tin rằng số ca bệnh tăng đột biến vào mùa hè và sự sụt giảm sau đó chủ yếu là do xu hướng hoạt động của người dân.

Ông nói khả năng lây nhiễm của virus có liên quan với thời gian nghỉ lễ.

"Trong những ngày nghỉ, chúng ta gặp gỡ những người mà chúng ta hiếm khi gặp, và hơn nữa, chúng ta có cơ hội để ngồi ăn mặt đối mặt cùng nhau", ông Nishiura, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu, người tham gia tư vấn cho chính phủ Nhật Bản, nói với hãng tin Reuters.

Số ca nhiễm cao kỷ lục gần đây ở Hàn Quốc và Singapore có thể liên quan đến một số kỳ nghỉ lễ giữa năm, ví dụ như Hàn Quốc là kỳ nghỉ lễ Trung thu. Và sự kết hợp các kỳ nghỉ lễ châu Á và phương Tây vào cuối năm có thể dẫn đến một "cơn ác mộng", ông Nishiura nói.

Nhưng các chuyên gia khác nói rằng xu hướng lây nhiễm ít liên quan đến việc di chuyển của người dân mà liên quan nhiều hơn đến mùa dịch.

CHU KỲ TÀN BẠO

Jason Tetro, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Canada và là tác giả của cuốn sách "The Germ Code", cho biết các nhóm tuổi khác nhau trở thành "nhiên liệu" cho virus tồn tại, tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và tỷ lệ những người đã nhiễm bệnh trước đó.

Ông Tetro nói: "Nếu không loại bỏ virus, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​sự gia tăng số ca nhiễm cho đến khi 85% dân số đạt miễn dịch với chủng virus chiếm ưu thế. Đây là cách duy nhất để thoát ra khỏi chu kỳ tàn bạo này".

Một giả thuyết có cơ sở là COVID-19 và các biến thể của nó có xu hướng ‘di chuyển’ theo chu kỳ hai tháng.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nhật Bản cảnh báo về mùa đông 'ác mộng' - Ảnh 2
Người dân đeo khẩu trang để phòng chống COVID-19 ở Nhật Bản

Kenji Shibuya, cựu giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học King's College, London, cho biết ông nghi ngờ rằng "dòng người" đang thúc đẩy virus phát triển như nhiều chuyên gia chính phủ đã khẳng định.

 

Shibuya, người cũng tham gia chỉ đạo công tác tiêm chủng tại các thành phố ở miền bắc Nhật Bản, cho biết: "Nó chủ yếu được thúc đẩy bởi các xu hướng thời vụ, sau đó là vaccine và có lẽ một số đặc điểm của virus mà chúng ta chưa biết".

Hiện Nhật Bản đã tiêm phòng cho 61% dân số và chính phủ nước này đang chuẩn bị triển khai liều vaccine tăng cường để ngăn chặn nguy cơ bùng phát số ca nhiễm đột phá như ở những nơi khác trên thế giới, Noriko Horiuchi, Bộ trưởng phụ trách vaccine, cho biết trong một cuộc họp báo. Ca nhiễm đột phá (breakthrough case) là những người nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ.

Dù nguyên nhân của sự sụt giảm số ca nhiễm gần đây là gì, các chuyên gia cho rằng thời gian là yếu tố quyết định để ‘đi trước đón đầu’ một đợt gia tăng ca nhiễm mới.

"Chúng ta chỉ có thời hạn một tháng", ông Shibuya nói. "Vì vậy, chúng ta nên hành động nhanh chóng để đảm bảo có đủ giường bệnh và tăng cường tiêm chủng".

AstraZeneca đề xuất phê duyệt thuốc điều trị Covid-19, có hiệu quả 'thần kỳ': Giúp cơ thể 'cô lập' virus trong trường hợp nhiễm bệnh

Thuốc AZD7442 của hãng dược AstraZeneca chứa các kháng thể được phát triển nhân tạo, được thiết kế để có thể tồn tại trong cơ thể người sử dụng nhiều tháng, giúp cơ thể cô lập virus trong trường hợp nhiễm bệnh.

TIN MỚI NHẤT