Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee vừa qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.
- Cô dâu ‘giận tím người’ vì mời cưới trên Facebook nhưng chỉ có 3 người đến dự, số còn lại chẳng đến cũng không gửi tiền mừng
- Thầy giáo giải nghĩa từ vựng tiếng Anh tưởng sai hết cả, ngẫm một hồi mới thấy chí lí quá: Vựa muối của lớp học là đây!
Lee Kun-hee - người đã biến Samsung Electronics từ một nhà sản xuất điện gia dụng Hàn Quốc thành đế chế sản xuất điện thoại thông minh, tivi, chip nhớ lớn bậc nhất thế giới vừa qua đời. Ông hưởng thọ 78 tuổi.
Theo thông tin từ phía Samsung, ông Lee đã ra đi vào ngày chủ nhật bên cạnh gia đình. Thông tin về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, ông Lee đã phải trải qua một đợt phẫu thuật sau khi bị đau tim và kể từ đó ông không còn xuất hiện trước báo giới.
Ông Lee từng nói với nhân viên rằng phải "thay đổi mọi thứ trừ vợ và các con của bạn" khi họ nỗ lực thúc đẩy đổi mới nhằm đối đầu với những đối thủ như Sony. Cho tới giờ, ông Lee vẫn là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ước tính 20,7 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.
Người tạo ra di sản ở Samsung
Năm 2015, tạp chí Time đã vinh danh ông Lee trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông Lee bắt tay vào công cuộc đại tu Samsung Electronics sau khi chứng kiến những sản phẩm của công ty bám đầy bụi trong một cửa hàng điện tử ở Los Angeles. Trong khi đó, những chiếc TV của Sony và Panasonic thì được đặt tại vị trí trang trọng và cũng đồng thời có lượng bán nhiều nhất.
Vào thời điểm đó, Samsung của Lee Kun-hee vốn đang hoạt động tương đối tốt. Vị chủ tịch đã nắm Samsung trong vòng 6 năm cho tới lúc đó (1987 – 1993) và làm cho Samsung tăng trưởng gấp 2,5 lần, theo như tác giả Grobart báo cáo. Những thành tích này hẳn đã làm người Samsung và ông Lee rất tự hào.
Thế nhưng, với câu chuyện thành tích đang lên như vậy và rồi nhìn vào hình ảnh trái ngược kia tại nước Mỹ, mọi thứ giống như một gáo nước lạnh với vị Chủ tịch. Làm sao có thể chấp nhận được khi mà hàng điện tử Samsung đang quá thất thế với những hàng điện tử khác cũng đến từ châu Á vào lúc đó.
Điều này đã càng "xát muối" khi trước đó, ông Lee đã nói rằng ông muốn Samsung trở nên lớn hơn, mạnh hơn, trở thành giống như G.E - một cường quốc công nghiệp được cả thế giới công nhận. Điều này, Lee Kun-Hee kỳ vọng nó phải xảy ra càng sớm càng tốt, muộn nhất là vào năm 2000.
Ngay sau thời điểm đó, khi đáp xuống Frankfurt, Đức, ông đã triệu tập tất cả các vị lãnh đạo lớn nhỏ của Samsung vào và tham gia một buổi họp đột xuất chưa từng thấy trong lịch sử công ty.
Buổi họp diễn ra trong 3 ngày, mọi người không được nghỉ, duy chỉ có khoảng thời gian buổi tối để ngủ. Trong suốt thời gian đó, việc của chủ tịch Lee là diễn thuyết, diễn thuyết và diễn thuyết...liên tục trong 3 ngày.
Ở đó, ông đã đặt ra tầm nhìn "đau đáu" của mình về tương lai của Samsung và những gì công ty này sẽ cần phải làm để trở nên thành công trên trường quốc tế. Trong bài phát biểu này, ông cũng đã nói một câu nói nổi tiếng mà đã sau này đi cùng với cái tên Lee Kun-Hee: "Bạn có thể thay đổi tất cả mọi thứ, nhưng tuyệt nhiên không phải là vợ và con của bạn".
Bài phát biểu này cuối cùng được biết đến với cái tên nội bộ bên trong Samsung là "Tuyên ngôn Frankfurt năm 1993". Nó được viết lại thành một cuốn sách dày 200 trang, được phát cho các nhân viên Samsung đọc để thấm nhuần tư tưởng của vị Chủ tịch. Với các nhân viên, không có cơ hội đọc, thậm chí Samsung còn sản xuất phim hoạt hình với nội dung tương tự cho họ xem.
Từ ngày đó, cái tên Samsung đã dần quen thuộc trên thế giới như một gã khổng lồ sản xuất TV, smartphone lớn nhất thế giới. Hình ảnh của một nhà sản xuất thường xuyên bị ngồi chiếu dưới trong các cuộc đua của các ông lớn đã gần như không còn nữa.
Trong thông báo về sự ra đi của vị Chủ tịch đáng kính của Samsung có đoạn: “Chủ tịch Lee là một người có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã biến Samsung thành nhà đổi mới hàng đầu thế giới, gã khổng lồ công nghiệp từ một doanh nghiệp địa phương. Di sản mà ông để lại sẽ trường tồn mãi mãi".