Sau khi tôi sinh con gái đầu lòng, anh viện cớ đi suốt, ít khi ăn cơm ở nhà, thậm chí còn không muốn nhìn mặt con.
- Đây là lý do giải thích cho tật lắm lời của đàn bà, ông chồng nào cũng phải đọc
- Đàn bà một lần dang dở, hãy gạt bỏ định kiến và kiêu hãnh yêu thương
Ở xã hội ngày nay, có thể nhiều người sẽ không còn giữ định kiến “trọng nam khinh nữ”, nhưng với gia đình anh lại khác. Mẹ anh thích cháu trai để nối dõi tông đường. Anh sợ tôi buồn nên nói “con nào cũng là con, anh sẽ thương chúng như nhau”. Câu nói của anh khiến tôi yên tâm phần nào vì vợ chồng tôi sắp chuyển ra sống riêng, không còn ở chung với ba mẹ nữa. Tôi cũng mừng thầm vì sẽ không phải nhìn sắc mặt của mẹ chồng nếu lỡ sinh con gái đầu lòng.
Khoảng hơn 1 tháng sau, vợ chồng tôi dọn ra ngoài sống. Chúng tôi mua một căn hộ khang trang gần nơi làm việc của anh. Khi đó tôi đã mang thai được gần 2 tháng, tâm trạng lúc nào cũng nóng nảy, dễ cáu gắt. Cũng may anh tâm lý, không hoạnh họe hay tỏ ra khó chịu mỗi khi tôi nóng giận quát tháo lớn tiếng. Ngày nào anh đi làm về cũng mua hết thứ này đến thứ khác, toàn là món tôi thích.
Vì mang thai đứa con đầu lòng nên vợ chồng tôi rất xem trọng. Tôi đi đứng cũng cẩn thận, anh đi làm rồi về thẳng nhà không la cà hàng quán. Ngoài mặt anh luôn nói trai gái không quan trọng, nhưng khi mua sắm đồ đạc, anh chỉ mua toàn đồ con trai. Đến cả đồ chơi, quần áo hay giường cũng chọn loại cho con trai. Tôi nghĩ cũng đúng, ai cũng vậy, cũng thích có đứa con trai đầu lòng. Nhưng tréo ngoe là đi khám, tôi biết đứa con trong bụng là con gái.
Điều này khiến tôi stress kinh khủng, kèm với những tháng thai kỳ không ăn được gì khiến cơ thể tôi lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, uể oải. Những lần đi siêu âm, tôi đều giấu chồng và nói dối rằng đứa con trong bụng tôi là con trai. Tôi biết lời nói dối của mình chỉ khiến anh càng tổn thương khi biết được sự thật, nhưng tôi không thể nào nói sự thật được.
Đến ngày sinh, anh túc trực cùng tôi trong bệnh viện. Đến khi bác sĩ bế đứa bé đỏ hỏn quấn chiếc khăn màu hồng ra cho anh xem, anh liền thốt lên: “Con trai sao quấn khăn màu hồng?” Đó là câu cuối cùng tôi nghe được trước khi chìm vào cơn hôn mê. Khi tỉnh lại, tôi cảm nhận được cơn đau ê ẩm ở phần dưới nhưng cơ thể tôi hồi phục khá nhanh. Những ngày tôi ở viện, anh không vào thăm chỉ giục mẹ vào đưa cơm nước. Nằm trên giường bệnh, thấy vợ chồng người ta quấn quýt, tôi vô cùng tủi thân, không ngờ một ngày mình lại bị đối xử tàn nhẫn như thế này vì sinh con gái đầu lòng.
Những ngày sau đó, anh cứ viện cớ bận việc rồi đi suốt, ít khi ăn cơm ở nhà. Có lẽ anh đã đặt hy vọng quá nhiều nên vô cùng thất vọng. Vả lại một phần là lỗi của tôi, phải chi từ ngày đầu tôi đã không nói dối để anh chuẩn bị tâm lý. Giờ nhận sự ghẻ lạnh của chồng, tôi chẳng biết tỏ bày cùng ai, muốn nói chuyện với chồng nhưng anh lại tìm cách lảng tránh. Thời gian đó mẹ chồng cũng ít sang thăm nuôi, mỗi tuần chỉ đến hai lần rồi lại thôi.
Tôi thấy tuy đã là xã hội hiện đại nhưng vẫn còn rất nhiều người giữ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Họ vẫn luôn đề cao giá trị của đàn ông trong xã hội và xem thường vai trò của một người phụ nữ. Một người phụ nữ khi về nhà chồng, không sinh được con trai xem như là đồ vứt đi, chẳng có chút giá trị nào. Tôi cảm thấy việc này vô cùng bất công. Không biết những chuỗi ngày sau này tôi sẽ sống như thế nào đây?