Chị tôi bảo, Tết đến mới thấy rõ sự vô tâm của đàn ông. Họ chỉ biết cắm cúi trên bàn nhậu, cụng hết ly này đến ly khác. Họ quăng lon bia khắp sàn nhà mà không hề biết rằng vợ mình mệt nhoài lau dọn.
Nhắc đến Tết hẳn người ta sẽ liên tưởng ngay đến việc sum họp, vui chơi. Thế nhưng nhiều phụ nữ cứ nhắc đến Tết là “nổi hết cả da gà”. Bởi Tết đến xuân về họ phải lo toan, bận bịu cả ngày. Bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của người đàn bà.
Năm vừa rồi đợi đúng giao thừa, tôi gọi điện chúc mừng chị gái lấy chồng xa không về ăn Tết. Chị bảo, đang đón giao thừa ở… phòng tắm. Rồi chị kể, công ty đến tận 29 Tết mới cho nghỉ. Hùng hục dọn hai ngày cuối năm cho nhà cửa sạch sẽ. Bao nhiêu việc phải làm, giặt lại mớ rèm cửa, lau chùi từ trên xuống dưới. Rồi tất bật mua bánh trái, kẹo mứt, thực phẩm trữ tủ lạnh để tiếp khách.
Chiều ba mươi, chị phải quáng quàng ra chợ mua đồ về nấu nấu, nướng nướng để cúng giao thừa. Họ hàng nhà chồng tụ tập ăn uống tất niên. Sau khi mọi người ăn uống no say, chị còn lui cui dọn dẹp đống chén bát chất cao như núi. Đến gần 12 giờ đêm mới rảnh để đi tắm.
Chị gái tôi có lẽ là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ Việt phải tất bật, bận rộn mỗi dịp Tết đến, xuân về. Họ phải bận bịu, luôn tay, luôn chân cả ngày.
Ngoài chuyện mệt mỏi vì việc nhà, họ còn căng não về việc chi tiêu “đối nội, đối ngoại” sao cho phù hợp với ví tiền. Chị tôi không về ăn Tết nhà ngoại bởi lại ngán khoản tiền máy bay. Chị bảo năm nay thưởng Tết chục triệu, kể ra thì nhiều nhưng chẳng thấm vào đâu với số tiền phải chi tiêu trong ba ngày Tết. Chưa tới Tết, đã lo mua quà cáp, cả chục thùng bia đi biếu họ hàng nhà chồng. Rồi tiền biếu bên nội, bên ngoại tiêu Tết. Tiền bánh mứt, tiền quần áo cho con và cả hàng trăm thứ phải chi. Chị lên mạng xem giá vé máy bay, thấy lượt đi, lượt về cả nhà đã đi đứt hơn 20 triệu, chưa kể các khoản khác nên thôi không về. Tết gọi điện về nhà mẹ, chị cười vui nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn thêm một cái Tết không về thăm cha mẹ.
Nhà chồng chị đến Tết, họ hàng, anh em hay tụ tập lại ăn uống, hát hò. Trông vào nhà cửa thì vui nhưng chị phải túc trực ở căn bếp cả ngày. Nấu món này, xào món kia để có thức ăn nóng sốt cho mọi người. Khi đám khách này về, chị lại xắn tay áo lên mà rửa đống chén chất cao như núi. Chưa kịp rửa xong thì lại có khách. Ba mẹ chồng chị bạn bè cũng nhiều. Ba ngày Tết người chị đầy mùi dầu mỡ, đồ ăn. Tay thì ngứa ngáy vì rửa xà phòng quá nhiều.
Chị tôi bảo, Tết đến mới thấy rõ sự vô tâm của đàn ông. Họ chỉ biết cắm cúi trên bàn nhậu, cụng hết ly này đến ly khác, hối thúc vợ mang mồi, lon bia rải khắp sàn nhà mà không hề biết rằng vợ mình mệt nhoài lau dọn. Nhiều lần, thấy chồng cứ say sưa tối ngày mà chị rất buồn.
Có lần chị nói với tôi: “Ước gì đừng có Tết. Mỗi lần thấy Tết là thấy sự mệt mỏi, ám ảnh. Mà mình không làm thì ai làm nữa. Tết nhất nhìn người ta mặc đồ đẹp đi chơi mà thấy ham, còn mình chỉ mong được ngả lưng mà ngủ một giấc cho sung sướng”.
Thương chị và thương những người đàn bà như chị. Cả năm quần quật mệt nhoài, đến thời gian nghỉ lễ chỉ mong được xả hơi lại gánh trên vai bao sự mệt mỏi. Giá mà các ông chồng bớt vô tâm một chút để san sẻ với vợ, hẳn mỗi cái Tết với phụ nữ sẽ nhẹ nhàng hơn.