Mỗi một cuộc hôn nhân như một chuyến bay. Hôn nhân tan vỡ. Máy bay rơi. Hãy lắng nghe xem điều gì đang xảy ra, vì sao máy bay lại rơi và liệu chuyện ấy có ngăn chặn được không?
- Tình cũ của chồng đến xin việc, ngay lập tức tôi trả hồ sơ nhưng khi cô ta nói ra vị trí ứng tuyển và nắm tay tôi cầu xin thì tôi lại không thể chối từ
- Trong bữa cơm họp mặt gia đình, con gái tôi rụt rè đưa ra mảnh giấy đã nhòe nước mắt nhưng khiến cả nhà tôi chao đảo
Có một chuyện đang diễn ra mọi lúc mọi nơi, như cơm bữa, có thể tàn phá một mối quan hệ, niềm hạnh phúc lứa đôi, sự tổn thương của con cái, thậm chí cả nhận thức về bản thân của mỗi người. Đó chính là ngoại tình.
Ngoại tình xảy ra ở những cuộc hôn nhân không êm đẹp, thậm chí là cả khi hôn nhân đang thuận buồm xuôi gió.
Không có chủ đề nào trong đời sống đôi lứa lại khiến người ta vừa sợ hãi, vừa thích thú vừa khoái bàn tán bằng ngoại tình.
Có một gia đình, cả người chồng và người vợ đều rất tốt. Anh chồng là bác sĩ. Tính tình hiền hậu. Công việc và thu nhập ổn định. Hơn hết, anh là người của gia đình. Hết giờ làm ở bệnh viện là anh về nhà. Đón con. Tắm rửa và cho con ăn uống. Bữa cơm tối thường chỉ có hai cha con.
Người vợ là thạc sĩ kinh tế. Công việc thăng hoa cùng những chuyến công tác dài ngày. Chị cũng tốt tính nhưng thời gian dành cho gia đình, cho chồng, cho con không nhiều.
Thời gian đầu, anh chồng cố gắng khỏa lấp sự trống trải khi vợ luôn vắng nhà với lý do công việc của vợ phải thế. Nhưng vì là cố gắng nên chỉ được chừng mực.
Lâu dần, anh bỗng thấy thèm hình ảnh của “ba ngọn nến lung linh”, thấy thèm được ai đó gắp thức ăn cho mình, thấy thèm được ai đó hỏi thăm “hôm nay sao trông anh mệt thế”.
Người vợ, không biết là vì quá áp lực công việc, sự hăng say với sự nghiệp hay là sự vô tâm, mà vẫn một tháng chỉ đôi lần ở nhà. Ở nhà thì cũng lại dành thời gian đi sửa sang sắc đẹp, hoặc là cắm mặt vào cái điện thoại – có thể là để giải quyết công việc.
Rồi việc gì đến cũng phải đến. Anh chồng chán ngán và bắt đầu tìm kiếm sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ từ người không phải là vợ mình.
Lại có một gia đình khác khi mới cưới, họ rất hạnh phúc. Thấu hiểu và sẻ chia. Nhưng theo thời gian, áp lực cơm áo gạo tiền và vân vân mây mây lý do khác nữa, người chồng thường về nhà với bộ mặt lầm lì, cau có. Có những khi anh lặng lẽ như một cái bóng ở chính ngôi nhà mà trước đây luôn rộn ràng tiếng cười.
Tối trên một chiếc giường nhỏ, vợ ôm một điện thoại lướt Facebook, chồng ôm điện thoại nhắn Zalo, mỗi người một góc. Không gian thường trầm lắng tới mức chỉ còn nghe tiếng thở đều đều của đứa con gái mới lên 3 đang ngủ ngon ở chính giữa như một thiên thần nhỏ.
Người vợ thấy cô đơn, hụt hẫng. Thấy sự nguội lạnh. Chị không tìm thấy sự ấm áp từ người chồng mang lại. Sự che chở cũng không còn. Cuộc sống sẽ mãi bình lặng đến đáng sợ như vậy, nếu như một ngày chị không gặp được người biết lắng nghe chị, hiểu được tâm sự của chị. Và người đó đã mang lại tiếng cười cho chị.
Rất tiếc, trong những lúc như vậy, anh chồng hoặc là vẫn chìm đắm trong suy tưởng, hoặc là mải mê với Zalo, Facebook trên điện thoại.
Đó là một trong những ví dụ kinh điển cho nguyên nhân của ngoại tình: Đàn ông ngoại tình vì chán ngán và sợ gần gũi vợ. Đàn bà ngoại tình vì cô đơn và khao khát gần gũi ai đó. Và, tất nhiên, ngoại tình hẳn là triệu chứng của một mối quan hệ thất bại.
Lại có những trường hợp, ngoại tình là bản tính cố hữu của một ai đó. Đó là thói trăng hoa luôn luôn tồn tại trong tiềm thức. Dù ta thích hay không, thói trăng hoa vẫn luôn hiện diện.
Tất cả giấy mực hao tổn để tư vấn cho chúng ta xây dựng các mối quan hệ miễn nhiễm với ngoại tình cũng chưa thể kìm cương nổi con người lầm lối. Tôi thấy rằng, câu chuyện ngoại tình phần lớn là xoay quanh những đối tượng này.
Ở mọi nơi trên thế giới, có ai đó đang bị phản bội hoặc đang phản bội tình cảm của ai đó, có ai đó đang nghĩ đến chuyện ngoại tình hoặc đang khuyên nhủ ai đó đang vật vã đau khổ vì bị phản bội, có ai đó đang đóng vai một người tình bí mật.
Điều này còn mang lại sự tổn thương rất lớn cho những đứa trẻ - nạn nhân bất đắc dĩ đứng giữa hai con người thương yêu. Sự lựa chọn bố hay mẹ đối với những đứa con thực sự là một sự lựa chọn tàn nhẫn.
Có một câu hỏi đặt ra là: nếu xem mỗi một cuộc hôn nhân như một chuyến bay. Hôn nhân tan vỡ. Máy bay rơi. Hãy lắng nghe xem điều gì đang xảy ra, vì sao máy bay lại rơi và liệu chuyện ấy có ngăn chặn được không? Làm cách nào để bay lại lần nữa an toàn, có thể, trên chính chuyến bay đã bị rơi trước đó đã được sửa chữa?
Trong xã hội nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn các mối quan hệ như hiện nay thì nguy cơ rơi máy bay càng cao hơn bao giờ hết. Người bạn đời chung thủy là người trưởng thành, có cam kết và thực tế. Kẻ sa ngã là kẻ ích kỷ, kém trưởng thành và thiếu kiểm soát bản thân.
Máy bay muốn cất cánh an toàn thì phải luôn được bảo dưỡng. Hôn nhân cũng vậy. Sự thương yêu dành cho nhau không phải là nguồn pin vĩnh cửu. Nó phải luôn được nuôi dưỡng, chăm sóc với sự trưởng thành, trân trọng và đôi khi là cả sự khôn ngoan ở trong đó.
Hôn nhân bền vững nó mang cả nội hàm về sự trách nhiệm. Trách nhiệm với đối phương, trách nhiệm với cha mẹ, và cao hơn hết là trách nhiệm với con trẻ.
Khi tình yêu không được nuôi dưỡng, trách nhiệm không đủ lớn thì hôn nhân tan vỡ là điều khó tránh khỏi. Ly hôn phần lớn là do lòng tự trọng chứ không phải là sự tha thứ, khi trách nhiệm đã không còn.
Câu hỏi thứ hai: làm thế nào để bay lại trên chính chuyến bay đã bị rơi? Hay nói cách khác là hàn gắn mối quan hệ khi mà chuyện ngoại tình đang hiện diện trong đó. Cách duy nhất để người sa ngã khôi phục lòng tin và sự gần gũi gối chăn với bạn đời chính là nói ra sự thật, ăn năn và được người kia bao dung tha thứ
Ngoại tình như một loại virus. Trong hàng tỉ con virus độc hại thì cũng có những con virus có lợi. Nhiều người xem ngoại tình sẽ gây ra những nỗi đau không cách nào xoa dịu được, và thường sẽ khiến quan hệ tan vỡ. Nhưng cũng có người nhờ bị phản bội mà nhận ra nhiều điều, từ đó thay đổi bản thân theo hướng tích cực.
Chúng ta hoàn toàn có thể chữa được vết thương lòng khi bị phản bội, nếu có đủ tình thương và sự bao dung. Thậm chí, khi cơn bão ngoại tình quét qua, người trong cuộc thêm hiểu nhau, trân trọng và gắn bó với nhau hơn.
Hôn nhân là gia đình. Gia đình đôi khi là tất cả. Hãy luôn dành cho gia đình một cơ hội!