Yêu nhau từ khi cô gái mới 16 nhưng người đàn ông chờ đến lúc cô 19 tuổi mới chính thức rước nàng về dinh!
- "Phốt căng" ngày Valentine: Ông chồng "IQ vô cực" khi lấy quà bồ tặng đem về nịnh vợ, hài hơn nữa là màn "đòi lại công bằng" của kẻ thứ 3
- Tình cờ gặp nhau, người yêu cũ mỉa mai tôi một câu sâu cay, nào ngờ bị chồng tôi đáp trả một câu đau đớn hơn
Trong nhiều gia đình, chuyện đàn ông làm chủ sẽ gắn luôn với việc họ đứng tên toàn bộ tài sản, có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Thế nhưng cũng có hàng loạt ngoại lệ, người phụ nữ trở thành nhân vật "quyền lực" nhất nhờ đức ông chồng tạo điều kiện hết mực.
Vì người yêu mà xa quê lập nghiệp sau chuyến công tác
Câu chuyện về bố mẹ của Phạm Trúc Trâm gây chú ý mạng xã hội. Đơn giản vì hình ảnh cô bạn chụp bố mẹ đang "đi phượt" trên motor phân khối lớn. Đúng là dù có tuổi rồi nhưng đam mê của bố mẹ cô vẫn còn rất lớn.
Bố Trâm tên Hiếu Trung, 54 tuổi, mẹ cô là Thanh Hà, 45 tuổi. Gia đình Trâm đang sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh.
Ngày xưa, bố cô là thanh niên Hà Nội, sau một chuyến công tác vào Sài Gòn mà mê mẩn luôn cô gái miền Nam.
Trâm kể: "Bình thường mẹ mình cũng hay kể về quá khứ lắm. Mẹ bảo: 'Quá trình ông 'cua' tao đó, không hiểu sao tao theo ông luôn'. Nghe câu chuyện mà cũng buồn cười. Bố mình người Hà Nội, mẹ người Sài Gòn. Bố đi công tác trong Sài Gòn vô tình gặp mẹ ở quán cà phê nhỏ. Bố đọc báo nhưng cứ ngó nghiêng mẹ hoài rồi thích luôn lúc nào chẳng biết".
Thích cô gái nhỏ, ngày nào bố Trâm cũng ra quán ngồi uống cà phê. Hồi đó, mẹ Trâm mới 16 còn bố cô 25 tuổi. "Mưa dầm thấm lâu", ít lâu sau chàng trai đất Bắc cũng thành công tán đổ cô gái miền Nam.
Để chứng minh cho sự nghiêm túc của chính mình, bố Trâm xin phép về gặp mẹ vợ tương lai để xin phép đi lại.
"Lúc đó biết chuyện, bà ngoại mình đuổi thẳng cổ bố ra khỏi nhà luôn. Bà quay về nói với mẹ: 'Mày coi chừng, nắm tay cũng có bầu đó'. Vậy nhưng bố đâu có chùn bước. Ngày nào ông cũng đạp xe từ quận 7 sang quận Tân Bình để chở mẹ đi chơi. Đạp mệt là vậy nhưng lúc nào mẹ hỏi anh có mệt không, bố lại rất hào hứng đáp: 'phình phường' (bình thường). Có thế thôi mà yêu nhau đến bây giờ luôn đó", Trúc Trâm tâm sự.
Vì tình yêu, bố cô quyết định chuyển luôn công tác vào Sài Gòn để có cơ hội được gắn bó suốt đời với cô gái nhỏ của mình. Ông thừa hiểu rằng khoảng cách là thứ giết chết tình yêu dễ dàng nhất. Nếu ông không cố gắng, đưa ra mục tiêu thật sự thì sẽ lỡ mất tình yêu của cuộc đời.
Họ cứ bên nhau vài năm như vậy. Đến lúc mẹ cô 19 tuổi, bố 28, họ chính thức kết hôn, bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Họ bắt đầu thuê nhà ở riêng, tự lập mọi thứ. Cuộc sống ban đầu rất vất vả nhưng lúc nào, vợ chồng cũng gắn bó, ngọt ngào với nhau.
Bố mẹ ngọt ngào đến mức con cái cũng "cạn lời"
Đến bây giờ là đã 26 năm bên nhau, bố mẹ Trúc Trâm vẫn duy trì tình yêu cháy bỏng như thuở ban đầu. Trâm tâm sự rằng bố cô ngày xưa khó tính lắm nhưng từ khi đến với mẹ thì trở nên dễ tính hơn, xuề xòa hơn rất nhiều.
"Từ lúc có mạng xã hội, mẹ đi đâu thì bố đều nhắn rất tình cảm: 'Chừng nào em về', hay 'tranh thủ về sớm nhé'. Kết thúc tin nhắn bao giờ cũng là sticker trái tim. Danh bạ điện thoại bố lưu mẹ là 'bà xã'.
Bình thường, họ cũng tình cảm với nhau lắm đó. Mẹ hay đút cho bố ăn. Đang ngồi vậy, bố quay sang hôn chụt mẹ một phát. Như mình đây chứng kiến mà nhiều lúc còn chẳng biết nói gì luôn. Bình thường bố cũng hay tự tay mua quà và đứng bếp trong ngày sinh nhật mẹ. Bố muốn tạo cho mẹ bất ngờ và đi làm về kiểu gì cũng có câu hỏi đầu tiên là: 'Mẹ đâu rồi?". Mỗi lần bố về Hà Nội thì toàn video call với mẹ bảo: 'Nhớ quá à, cho hun miếng", Trúc Trâm tâm sự.
Bố của Trâm rất mê xe tay côn, xe phân khối lớn. Thấu hiểu đam mê của bố nên Trâm cũng hay bàn bạc và đồng ý để bố mua xe. Tuy nhiên, đến "cửa ải" cuối cùng là mẹ thì mọi chuyện "đổ sông đổ bể" vì mẹ cô rất ghét.
Trâm nhớ lại: "Hồi đó mẹ ghét những xe có tiếng pô ầm ầm. Thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý cho mua xe. Mua xong xuôi rồi thì bố mẹ hay đi phượt cùng nhau. Đi nhiều đến nỗi giờ cả bố cả mẹ cùng mê đi phượt luôn rồi. Cứ thích là hai người dắt xe ra đi, đi các chùa trong miền Nam này rồi còn đi thăm nhà họ hàng bạn bè xa nữa. Đây có lẽ là niềm đam mê chung lớn nhất mà bố và mẹ có được".
Trong gia đình Trâm, bố cô đều tôn trọng ý kiến và muốn mẹ cô quyết định tất cả mọi việc.
"Bố luôn nhường mẹ, không bao giờ cãi vã quá nặng lời. Bố cũng giúp mẹ việc nhà và hỏi ý kiến mẹ khi muốn mua gì đó. Có lần bố giận mẹ. Bố âm thầm đi mua đồ ăn sáng rồi bảo mình mang vào cho mẹ vì mẹ đang giận", Trúc Trâm chia sẻ.
Cũng vì niềm tin đó mà cuộc hôn nhân 26 năm của bố mẹ cô thuận buồm xuôi gió, chẳng gặp phải vấn đề lớn nào. Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành và dùng tình yêu, sự sẻ chia, bao dung để duy trì nó.
Trâm kể thêm: "Bình thường mẹ cứ trêu trêu bố bảo mình: 'Sau này cưới ai chứ đừng cưới người như bố mày, tao mệt lắm'. Nhưng tâm sự thật lòng với con thì mẹ lại bảo rằng chọn người như bố là tốt nhất. Bố thương vợ con và đặt vợ con lên hàng đầu. Bố mẹ có cãi nhau đến mức nào cũng chẳng giận quá một ngày. Mình nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để họ giữ gìn hạnh phúc. Đừng bao giờ làm tổn thương nhau dù có tức tối đến mức nào đi chăng nữa".
Trong cuộc sống, có không ít cuộc hôn nhân tan vỡ vì vợ chồng cãi cọ, làm đau nhau vì câu nói nặng lời. Vết thương do lời nói đôi khi nghiêm trọng hơn tất cả mọi thứ. Bố mẹ Trúc Trâm thấu hiểu điều đó và kiên quyết không bao giờ ném những ngôn từ nặng nề về phía nhau.
Giữ gìn hạnh phúc gia đình là một nghệ thuật. Tuy nhiên, đôi khi một gia đình yên ấm, ngọt ngào lại đến từ những việc làm nhỏ, tưởng như bình thường nhưng lại có sức ảnh hưởng thật to lớn.