Tết là của mọi nhà, Tết là từ lòng người mà ra. Lòng mình yên, tim mình ổn, Tết tự khắc sẽ dành cho mình. Và Tết là dành cho gia đình, và con chính là gia đình...
- Chấp nhận tiếp tục sống chung với chồng ngoại tình, vợ phải biết những điều này!
- ‘Ngoại tình không phải tình yêu, đó là bạo lực…’
Tôi hỏi chị, từ khi lựa chọn làm mẹ đơn thân, khoảnh khắc nào khiến chị sợ nhất? Khi biết phải một mình nuôi con, hay cảm giác phải bình thản khi cả thiên hạ đang nhìn vào nỗi đau của mình? Chị lắc đầu, đôi mắt vô định chẳng vui chẳng buồn. Chị nói, chị chỉ sợ Tết. Với những bà mẹ đơn thân như chị, một năm trời có vất vả thế nào cũng không đáng sợ bằng ngày Tết. Vì Tết là thời khắc sum vầy. Mà với đàn bà nuôi con một mình thì sum vầy lại là một nỗi đau âm ỉ, chông chênh mà xa xỉ.
Chị kể, Tết đầu tiên năm đó, chị ôm bụng bầu không dám về quê. Chị biết ba mẹ mong tin chị, nhưng về rồi thì Tết với họ liệu có còn vui không? Tết là để về nhà, nhưng nếu về để mang gánh nặng và tủi hổ cho gia đình thì chị không về được. Thế là suốt mấy ngày Tết chị ở lì trong nhà. Đến năm thứ hai, ngày 29 Tết, mẹ chị nghèn nghẹn bảo chị về đi, nhà ai cũng trông chị. Lúc đó, tự dưng chị chẳng nghĩ nhiều nữa, bồng con về thẳng quê. Chị bảo chị thèm mùi vị gia đình sau những năm tháng một mình chật vật với con nhỏ. Rồi năm thứ 3, con chị chập chững đi, ngày Tết chị cũng chưa dám đi đâu, cũng chỉ quẩn quanh cho con chơi với ông bà ngoại rồi hàng xóm. Thấy con xa lạ nhìn những người đàn ông bằng tuổi cha nó, chị chạnh lòng quá. Tết sum vầy, chị thế nào cũng không thể cho con đủ đầy.
Chị bảo tôi, hội mẹ đơn thân chị quen trên mạng, nhiều người không giống như chị, đã quen dần với không khí ngày Tết khi bản thân đã là mẹ đơn thân. Mỗi bà mẹ lại chọn những cái Tết rất khác nhau cho mình và con. Có người vẫn để con về thăm nội ngoại, không đành lòng để con không biết Tết nhất là gì. Người ta nói ra nói vào vài câu rồi cũng sẽ thôi. Huống hồ trẻ nhỏ có tội tình gì đâu, Tết với chúng vẫn ngạt mùi sum vầy, dù là không đủ đầy. Chúng vẫn cần một cái Tết được yêu thương hơn. Lại có những bà mẹ cứ Tết đến là chuẩn bị một hành trình du lịch vài ngày cho hai mẹ con. Tết với họ lại như một kì nghỉ để cả hai mẹ con thư thả tận hưởng, muộn phiền gì cũng chẳng biết.
Với mẹ đơn thân, mỗi ngày trong năm, họ đều có thể giấu đi rất nhiều thứ để quên đi những tổn thương và thiếu thốn của mình và con. Họ có thể vừa là cha, vừa là mẹ, gồng gánh cho con những gì tốt nhất. Nhưng Tết lại là lúc họ phải đối mặt rõ ràng rằng, họ vẫn thiếu con một mái nhà đủ đầy, nợ con những cái Tết thiếu mùi vị gia đình có cả cha cả mẹ. Chỉ là, mỗi bà mẹ sẽ đều có cách để mình và con đối mặt khác nhau. Có người bỏ qua những tự ti, có những lại không quên được sự thiếu thốn mình khó lòng bù đắp cho con. Vì vậy mà không ít ê chề, quá nhiều tủi hổ tạo nên những cái Tết chông chênh với mẹ đơn thân…
Nhìn dáng chị tôi sắm sửa từng chiếc áo cho con trai nhỏ đón Tết, tôi lại chỉ muốn chị cũng như các bà mẹ đơn thân ngoài kia có thể hiểu, ngày Tết, hãy hạnh phúc hơn, mạnh mẽ hơn vì mình vẫn còn có con, vẫn còn có gia đình. Tết là sum vầy, Tết là đủ đầy. Mình có con, mình thấy đủ, thì Tết tự dưng cũng sẽ đủ hơn. Sum vầy là trở về, sum vầy là an yên. Tết không của riêng ai, Tết cũng không chọn lọc một ai. Tết là của mọi nhà, Tết là từ lòng người mà ra. Lòng mình yên, tim mình ổn, Tết tự khắc sẽ dành cho mình. Đừng gạt mình và con khỏi thời khắc đẹp đẽ nhất trong năm. Cũng đừng bắt mình và con quay mặt với Tết. Tết là dành cho gia đình, và con chính là gia đình, mẹ đơn thân nhé!