"Ôi trời, 5 đứa nhận họ thì đi tong mấy trăm nghìn lì xì. Đúng là mua bánh kẹo đắt ấy mà, chứ nhận họ nhận hàng cái gì" - mẹ chồng Chinh lẩm bẩm.
- Thấy chồng được "Bộ Y tế" gửi hẳn 3 tin nhắn liên tiếp bằng iMess, vợ mở ra xem mới khóc nấc vì hình ảnh đính kèm
- Vừa có kết quả xét nghiệm ADN, chị dâu lập tức rút đơn ly hôn dưới gối ra đưa cho anh trai tôi ký
Mẹ chồng Chinh là người thực dụng và tham lam. Đây là điểm mà Chinh không hài lòng nhất về mẹ chồng. Bà chỉ thích chơi với những người giàu có, môn đăng hộ đối với mình. Còn những ai lép vế hơn là y như rằng mẹ chồng coi khinh họ.
Chinh không dám góp ý với mẹ chồng nhưng nhiều lần cô đã nói khéo với chồng mình để anh bảo bà. Tuy nhiên, mẹ chồng vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi.
Nhiều lúc Chinh bực mình nói với chồng: "May mà bố mẹ em có ít của cải, chứ không thì còn lâu mẹ mới cho mình lấy nhau anh nhỉ? Anh xem nhà các chú, các bác lúc nào cũng vui vẻ, nhiều người đến chơi. Nhà mình đến trẻ con cũng không đứa nào sang. Mà nhà mình có phải dạng giàu nứt đố đổ vách đâu mà kênh kiệu làm gì?".
Mấy ngày Tết nhà Chinh vắng vẻ, chỉ có những ai họ gần lắm mới đến chơi. Việc mẹ chồng khinh rẻ người khác cũng ảnh hưởng đến các con trong gia đình. Trong mấy anh em họ hàng với nhau, mọi người đều vui vẻ, thân thiết chỉ có mỗi vợ chồng Chinh là bị cho ra rìa, mặc dù 2 vợ chồng Chinh hiền lành, cởi mở với mọi người.
Năm nay trong họ có con nhà chú lấy chồng. Ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Từ xa trông thấy họ là mọi người đã mời vào nhà chơi, trò chuyện. Riêng mẹ chồng Chinh thì không, bà đóng cửa vào để khỏi tiếp khách. Trước Tết Chinh đã nghe thấy mẹ chồng than thở: "Năm nay lại tốn tiền nhận họ rồi. Ôi dào, phong tục của các cụ để lại thì mới phải nhận. Chứ bình thường thì cũng thôi. Sinh ra cái Tết, cái nhận họ làm gì cho tốn kém. Có khi cả năm chẳng biết mặt nhau".
Chồng Chinh nghe thấy đã to tiếng với mẹ, anh trách bà ích kỷ. Mẹ chồng im lặng nhưng bà thể hiện rõ thái độ bất mãn.
Đến sáng mùng 2 khi đôi vợ chồng trẻ đến Tết nhận họ, Chinh phát ngại lên vì cách xử sự của mẹ chồng. Bà chẳng thèm rót nước, bỏ bánh kẹo ra mời khách. Cả buổi nói chuyện, mẹ chồng chỉ chăm chăm hỏi về thu nhập của 2 vợ chồng em nhà chú. Mẹ chồng hỏi cặn kẽ như lần đầu Chinh về ra mắt. Bà hỏi rể mới: "Thế cháu làm ở đâu, thu nhập thế nào? Có cao không? Vợ chồng trên thành phố làm việc cũng tốn kém lắm nhỉ? Mà có con chưa, lấy nhau cũng phải nửa năm rồi còn gì, mãi không có tin vui là phải đi khám không là tịt đấy".
Khi biết nhà cháu rể có điều kiện hơn cháu ruột mình thì mẹ chồng Chinh vỗ đùi cái đét rồi nói: "Con Minh (cháu gái) biết chọn chồng nhỉ. Đấy như thế sau mới được nhờ. Chứ nhà mày bố mẹ cũng nghèo, giờ ở quê làm ruộng thì kiếm được mấy đồng đâu, mà quanh năm đầu tắt mặt tối. Kiếm được tấm chồng giàu là bằng nửa đời đi làm".
Chinh nghe mẹ chồng nói vô duyên hết sức thì nháy chồng ở trong nhà ra tiếp chuyện các em. Nhưng có vẻ như lời nói của bà đã động chạm đến tự ái của họ nên 2 vợ chồng xin phép ra về.
Ở chỗ nhà Chinh có lệ, hễ con cháu đi nhận họ thì sẽ lì xì lại từ 50.000 đồng - 100.000 đồng lấy may, gia đình nào có điều kiện hơn thì có thể mừng số tiền to hơn. Ấy thế nhưng mẹ chồng lại lì xì có 20.000 đồng, trong khi nhà có điều kiện chứ không phải nghèo khó. Chinh ngại quá phải lấy thêm tiền của mình ra lì xì thêm các em.
Khi khách vừa đi khỏi, mẹ chồng quay sang mắng Chinh: "Chị phải bỏ thêm tiền để lì xì làm gì? Anh chị lại giàu quá cơ. Giàu quá không tiêu hết thì đưa tôi chứ đừng ném tiền ra cửa sổ. Chứ nó biếu Tết nhà mình có gói mì chính, hộp kẹo, cân đường thì lì xì như thế là to rồi đấy. Sinh ra cái Tết nhất làm gì không biết? Lại còn cái tục Tết nhận họ! Quà bánh chúng nó mua sang Tết chắc được 50.000 đồng, vậy mà phải lì xì cả trăm. 5 đứa như thế có khi mất triệu bạc. Còn không biết đồ nhà nó mua có phải hàng chuẩn không hay hàng nhái?"
Chinh bó tay với tính cách của mẹ chồng. Bà tính toán chi li như thế là cùng. Cô đáp lại lời bà: "Mẹ nói hay thật đấy. Nhà nào cũng tính toán như thế thì đợt con Tết nhận họ đã không có ai mừng lại, ấy thế mà con đi nhà nào cô bác cũng lì xì rõ nhiều. Năm ấy con phải đi lì xì nhiều em nhỏ nhưng nhờ nhận họ mà còn lãi.
Mẹ sống ở quê có 1 mình, chúng con đi làm cả năm mới về, thì mẹ phải dựa vào anh em xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau là chính chứ. Nhà mình thì cũng có giàu có lắm đâu, gọi là khá giả hơn 1 chút mà mẹ đã không coi ai ra gì rồi. Như hôm nay mẹ cư xử với 2 em nhà chú làm con phát ngại cả lên''.
Mẹ chồng đang định quay lại cãi lời Chinh nhưng con trai bà cũng thêm lời: "Vợ con nói đúng đấy mẹ ạ. Người ta sinh ra cái Tết để mọi người sum họp, họ hàng có dịp hội ngộ để tình cảm thân càng thêm thân. Đằng này mẹ cứ bo bo mấy đồng bạc, rồi mất hết cả họ hàng. Tình cảm gia đình mới là thứ đáng quý và quan trọng nhất, chứ tiền thì nay hết hôm sau lại làm ra''.
Nghe vợ chồng Chinh nói, mẹ chồng im lặng, rơm rớm nước mắt tủi thân. Nhưng Chinh và chồng mình muốn bà hiểu ra. Chứ sống vì đồng tiền thì cuối cùng họ hàng mất hết, tình cảm anh em cũng không còn. Mà nhỡ ra có việc gì không may, lúc đó hối hận không kịp.