Càng trưởng thành và trải qua sóng gió hôn nhân, chị em tôi càng thấm thía nỗi mặc cảm của mẹ. Chúng tôi nghe mẹ, dù hoàn cảnh thế nào, cũng phải kiếm ra được đồng tiền.
Chiều nay tan giờ làm sớm, tôi tranh thủ ghé nhà ngoại chơi. Ba tôi đi đánh cờ bên nhà hàng xóm, còn mẹ lục đục dọn dẹp ở dưới bếp, dù đang bị cảm ho sù sụ.
Tôi lo lắng: “Mẹ mệt thì nghỉ đi, gắng làm gì cho mệt”. Mẹ thở dài: “Ở nhà có từng đó việc mà không làm thì coi sao được. Người có của thì mình có công”. Nghe thế, nước mắt tôi cứ chực trào. Hơn 60 tuổi rồi nhưng lúc nào mẹ cũng mang nỗi mặc cảm của một người không kiếm ra tiền.
Ngày trước, ba mẹ cùng rời làng quê đi làm công nhân, nhưng khi anh em chúng tôi ra đời, mẹ phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái. Hầu như chuyện kinh tế trong nhà đều do ba gánh. Đến bây giờ, ba về hưu có lương, còn mẹ thì không. Từ lúc biết nhận thức, tôi đã cảm nhận được sự ám ảnh dai dẳng của mẹ khi không kiếm ra được tiền.
Ăn gì, tiêu gì, mẹ đều phải đắn đo cân nhắc, chẳng bao giờ dám mua cho riêng mình thứ gì. Chỉ một cái cau mày của ba trong bữa ăn cũng khiến mẹ chạnh lòng không nuốt nổi bát cơm. Lúc nào, mẹ cũng nhường thức ăn ngon cho chồng con còn mình giành phần đồ nguội, đồ thừa.
Đến khi chúng tôi trưởng thành, biết tính mẹ như thế, nên gắng để không bao giờ mẹ thiếu thốn thứ gì. Chị tôi mở cho mẹ một tài khoản tiết kiệm và hàng tháng anh em tôi đều đặn gửi tiền vào đó, coi như lương hưu của mẹ. Nhưng vẫn không xoá được nỗi mặc cảm của mẹ.
Ở chung với vợ chồng anh trai, mẹ cáng đáng hết mọi việc nhà. Hôm nào, mọi người đi làm về mà cơm canh chưa xong là mẹ áy náy, tự trách mình. Trong suy nghĩ của mẹ, mình không làm ra tiền thì phải làm việc. Dù ốm đau hay mệt mỏi, mẹ cũng cố gắng hoàn thành phần việc của mình.
Thậm chí bệnh tới mức nhập viện, mẹ cứ nằng nặc đòi về vì sợ tốn tiền. Nằm trên giường bệnh mà mẹ thở ngắn than dài: “Ở vậy tốn kém lắm hay cho mẹ về nhà đi, bệnh xoàng ấy mà”. Không ít lần, mẹ muốn bứt ra để đi làm, mẹ định đi bế em cho người ta, hay làm gánh hàng nhỏ đi bán thức ăn quanh xóm.
Nhưng lần nào, ý định của mẹ đều bị chúng tôi phát hiện và dập tắt. Đã bao lần tôi bảo: “Mẹ nuôi tụi con lớn bằng ngần này chẳng lẽ không lo được cho mẹ. Tuổi của mẹ là phải nghỉ ngơi chứ không phải lao lực kiếm tiền”.
Ngày còn nhỏ, mẹ cứ dặn chúng tôi: “Vất vả mấy cũng phải cố mà học để có cái nghề nuôi thân, không làm ra đồng tiền khổ tâm lắm”. Lúc mới lên cấp ba, chị gái của tôi định bỏ học ở nhà làm ruộng do đường đến trường quá xa, tiền nộp học luôn thiếu nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý.
Mẹ phải bán đi đôi khuyên tai bà ngoại cho để lo tiền học cho chị. Hàng ngày, mẹ dậy sớm để chở chị đến trường. Ròng rã mấy tháng trời, mẹ đều đặn đưa đón chị đi học cho đến khi chị quen đường đi cùng bạn. Nếu mẹ không kiên trì như thế, có lẽ giờ chị tôi đã là nông dân chính hiệu “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, chứ đâu có công việc ổn định như hiện tại.
Còn tôi, khi sinh xong đứa con thứ hai định nghỉ việc để ở nhà chăm con vì đi làm lương thấp mà lúc đó công ty của chồng ăn nên làm ra, không phải lo chuyện kinh tế. Mẹ nghe thế la cho một trận rồi bảo: “Nếu vất vả quá thì đưa cháu mẹ chăm giúp, chứ không được nghỉ việc, sau này khổ lắm”. Tôi không dám bỏ việc nữa và giờ thấy mình thật sáng suốt.
Nhờ có mẹ động viên, giờ chị em tôi đều không phải phụ thuộc vào ai. Càng trưởng thành và trải qua sóng gió hôn nhân, tôi càng thấm thía nỗi mặc cảm của mẹ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ tự lập kiếm ra được đồng tiền đều luôn ở thế chủ động. Càng hiểu vậy thì lại càng thương mẹ nhiều hơn...