Chuyện buông tay của phụ nữ đâu phải trong một sớm, một chiều. Khi đã quyết định ra đi, nghĩa là mọi cố gắng, mọi hy vọng đã chẳng còn ý nghĩa. Phụ nữ đã chọn rời đi sẽ không quay lại nơi đã gây ra cho mình bao đau đớn và tổn thương.
- Khi đàn bà quá tổn thương, họ có thể không ly hôn nhưng chẳng còn cần chồng nữa
- Câu chuyện có thật của người đàn bà suýt ngoại tình: Cuối cùng tôi mới nhận ra gia đình là quan trọng nhất
Trong tình yêu và hôn nhân, phụ nữ rất khó buông tay. Giữa bao nhiêu tổn thương, nước mắt, người phụ nữ vẫn cố tìm kiếm một lí do để ở lại. Người chồng nhiều tật xấu, họ vẫn ngụy biện rằng thế gian ngoài kia có nhiều người đàn ông còn tệ hơn nhiều. Đàn ông vô tâm, họ vẫn tự nhủ rằng anh ấy còn lòng chung thủy. Chồng ngoại tình, nhiều khi đàn bà lấy lí do vì sinh lí để tha thứ cho chồng.
Phụ nữ bao dung là vậy, chịu đựng là vậy. Bởi, khi có chồng, có con còn nhiều thứ quan trọng hơn là cảm xúc hờn ghen, đau khổ trong lòng họ. Họ nghĩ rằng, bỏ qua thêm một lần, tha thứ thêm một lần thì gia đình sẽ trọn vẹn, ấm êm cho con. Nhưng đàn ông nhiều khi lầm tưởng về sự chịu đựng của phụ nữ.
Đàn ông nghĩ rằng dù có chuyện gì, có gây ra tội lỗi gì thì người phụ nữ chẳng dám rời bỏ, chẳng dám dứt áo ra đi. Nhưng đàn ông nên nhớ, đàn bà giỏi chịu đựng nhưng là với người biết thay đổi, biết quay đầu. Trái tim phụ nữ không phải là sỏi đá. Sức chịu đựng của phụ nữ không phải vô hạn. Khi nhận ra, nước mắt rơi là vô nghĩa, sự chịu đựng chẳng mang lại kết quả gì thì người đàn bà sẽ dứt áo ra đi.
Đàn ông trên đời này lạ lắm. Ngày mới yêu nhau, để nhận được cái gật đầu đồng ý hò hẹn của người phụ nữ, đàn ông tốn biết bao nhiêu công sức để lấy lòng, để chiều chuộng. Chỉ cần người con gái rơi vài giọt nước mắt, anh đã thấy xót xa, cuống cuống tìm cách chuộc lỗi. Anh tự nhận mình là người may mắn khi có một người phụ nữ như vậy ở bên cạnh. Anh thề thốt, hứa hẹn sẽ mang lại cho cô ấy một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Nhưng rồi, đàn ông đã đối xử với người phụ nữ ấy như thế nào khi bước vào hôn nhân? Khi kí vào tờ giấy kết hôn, đàn ông đa phần đều xem nhẹ người người vợ của mình. Nghĩ người con gái đã thuộc về mình, như “cá đã cắn câu” nên thờ ơ, lạnh nhạt. Tình yêu đã chết ngay ngưỡng cửa hôn nhân.
Thậm chí, có những người đàn ông đối xử vô cùng bạc bẽo với người vợ của mình. Nhẹ thì vô tâm, vô tình, phó thác hết việc nhà cho vợ. Nặng thì vũ phu, ngoại tình. Xã hội càng hiện đại, những người đàn ông càng trí thức lại càng có nhiều cách để gây áp lực lên cuộc sống hôn nhân. Bạo hành gia đình không còn nằm ở việc đánh đập thân xác mà còn ở tinh thần, ở tiền bạc.
Người phụ nữ nào cũng từng hy vọng vào một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nhưng bao người phải ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng trong chính mái nhà mình. Khóc lóc không được nữa thì trở nên câm lặng. Và quá giới hạn chịu đựng, họ sẽ buông tay.
Đàn ông khi vợ mình rời đi, nhiều người giật mình mới nhận ra sai lầm và tội lỗi của mình. Tự thấy bản thân mình sai, ích kỉ, tệ bạc. Có người xin tha thứ, xin vợ một cơ hội để làm lại từ đầu. Nhưng vốn dĩ, chuyện buông tay của phụ nữ đâu phải trong một sớm, một chiều. Khi đã quyết định ra đi, nghĩa là mọi cố gắng, mọi hy vọng đã chẳng còn ý nghĩa. Phụ nữ đã chọn ra đi sẽ không quay lại nơi đã gây ra cho mình bao đau đớn và tổn thương.