Tối hôm ấy, dưới ánh sáng của những chùm đèn chênh vênh leo giữa sân thượng, chị chợt nhận ra anh gầy đi, đen hơn và có vẻ không hề hạnh phúc như sự cam đoan ra đi ban đầu.
Tôi đã từng nghe đâu đó hoặc đọc trên một vài tờ báo những câu chuyện kiểu "ra khỏi tòa án vợ nói một câu mà chồng hối hận muốn hàn gắn". Tôi cảm thấy nó phi lý, rất phi lý. Mà nếu là thật tại sao người vợ ấy chẳng nói câu "thần thánh" đó sớm hơn, để mọi thủ tục kết thúc hết mới cứu vãn thì còn nghĩa lý gì? Và tại sao người chồng ấy chán gia đình đến mức muốn tự tay cắt đứt tất cả - gã đàn ông tuyệt tình có thể vì 1 câu nói ngắn ngủi mà hối cải sao?
Hôm nay tôi đã được chứng kiến một câu chuyện, quả thật khiến tôi mở mang đầu óc và gỡ rối hết những khúc mắc trên.
Chị - một người vợ hết mực vì gia đình, từng có 12 năm công tác tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng sau khi đứa thứ 2 mắc bệnh chị chấp nhận bỏ việc để ở nhà với con. Vì không thể đưa con bé ra ngoài thế giới lớn mà chị kiên nhẫn bước vào thế giới nhỏ của nó. Từ ấy mà chị có phần bỏ bê anh, để anh sa vào một vòng tay non trẻ khác.
Ngày chị phát hiện ra sự thật, chị tìm mọi cách để cứu vãn gia đình - cái tổ ấm mười mấy năm anh chị cùng nhau gây dựng. Nhưng hết thật rồi, trước mặt chị cùng các con, anh thảng thốt, vừa đáng thương đến đáng sợ: "Anh xin em, giải thoát cho anh sống một cuộc sống mà anh muốn".
Vậy là anh dọn ra ngoài ở ngay hôm ấy, mặc kệ chị vật lộn với cả mớ lo toan tất bật không gọi thành tên. Tiền trợ cấp cho con anh sẽ gửi vào tài khoản của chị ngày mùng 10 hàng tháng. Anh sẽ vẫn làm tròn trọng trách người cha cả về tình cảm lẫn vật chất.
Cứ như thế anh chị cũng ly thân được 3 tháng. Anh không muốn mất mặt hay giải thích với bố mẹ hai bên nên chọn cách này là an toàn nhất. Anh chị cũng hơn 40 rồi, sao mà mang nhau ra tòa đấu đá từng tấc đất, mái nhà như bọn trẻ được.
Chị kể, hôm ấy là sinh nhật con bé thứ 2. Nó nói thèm được cảm giác cả gia đình quây quần trên tầng thượng, ăn một bữa thịt nướng ấm cúng - thơm phức mùi hạnh phúc ngọt ngào của những gia đình thật sự. Vì các con, anh chị lên kế hoạch đóng vai "như chưa từng có cuộc chia ly".
Tối hôm ấy, dưới ánh sáng của những chùm đèn chênh vênh leo giữa sân thượng, chị chợt nhận ra anh gầy đi, đen hơn và có vẻ không hề hạnh phúc như sự cam đoan ra đi ban đầu. Khi chị hỏi, anh bảo vẫn sống tốt. Vậy đấy, những người văn minh chọn cách chia tay thật đáng sợ.
Kết thúc bữa tiệc quá muộn và mùi thịt nướng ám đầy áo, anh xin ngủ lại. Chị lấy trong tủ bộ quần áo phẳng phiu và thơm phức mùi xả như thể chị mới giặt hôm qua. Chị bùi ngùi nhìn anh cho đến khi chiếc tất ở chân anh được tháo ra. Như một phản xạ tự nhiên, chị hốt hoảng: "Sao chân anh lại tấy lên thế kia, mới đầu đông mà lại cước rồi. Anh lại lười ngâm chân đúng không?".
Anh rụt vội chân vào ngại ngùng nhìn chị. Chị vô tư rút trong ngăn kéo bộ đồ chuyên dụng chăm sóc ngón chân. Chắc chỉ có chồng chị mới cần thứ này. Vì chân anh từ bé hay bị bệnh lặt vặt, lúc thì cước, lúc nứt nẻ, lúc lại trầy da, tụt móng... Nhưng chỉ có chị mới kiên nhẫn tỉ mỉ chăm sóc anh từ đôi bàn chân như thế.
Tự nhiên anh thèm cảm giác ấy, anh xin một "ân huệ" từ chị, đã 3 tháng nay không ai quan tâm đến sức khỏe của anh. Anh ngồi trên sofa, chị ngồi dưới sàn đặt bàn chân anh lên đùi mình, cẩn thận dũa từng cái móng, tỉa từng chút da thừa rồi lại từ tốn xoa kem, bôi thuốc. Anh nhớ ngày xưa, mỗi lần tắm xong anh chỉ mong đến giờ phút này. Anh cười nhăn nhở hỏi chị: "Chân anh có mùi gì không? Không thối nhỉ!". Chị lại liếc xéo rồi đáp: "Cái gì thối của anh em chả ngửi được. Và cũng chỉ có em yêu khuyết điểm của anh vô điều kiện thôi".
Hóa ra lời chị nói đúng thật, chỉ có xa vợ anh mới hiểu hết được giá trị của chị - những điều nhỏ nhặt nhất anh nhận được 15 năm nay. Anh nhớ lại sự lầm lũi, cái gật đồng ý quá dễ dàng của chị ngày anh xin được tự do thật quá nghiệt ngã. Vẫn chỉ có chị hiểu anh, anh vô tâm, ích kỉ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Cuối cùng anh chị đã quyết định trở về với nhau, sau bữa tiệc sinh nhật đánh thức kí ức ấy. Mãi sau này, khi tôi có dạm hỏi, đã có phút sâu lắng nhất anh trả lời thật lòng mình: "Trong 3 tháng ấy, anh được sống đúng nghĩa tình yêu, không có những bộn bề vất vả. Lúc nào cũng thong dong tận hưởng. Sáng cô gái kia dậy sớm nấu món anh thích. Trưa cô ấy mang cơm đến công ty cho anh. Thi thoảng tối bọn anh đi ăn nhà hàng, cô ấy thích nghi rất tốt với vai trò người vợ. Cô ấy đẹp, giỏi, thế nhưng... toàn là sự nhạt nhẽo chú ạ.
Càng sống theo cuộc sống bấy lâu mình mơ ước anh càng thấy nhạt nhẽo. Cô gái ấy luôn cố gắng làm hài lòng anh, mang tất cả những ưu điểm mà cô ấy có để cho anh nhưng lại chẳng bao giờ hỏi thực sự anh cần gì. Sự lãng mạn chết tiệt đã biến anh thành thằng đàn ông tồi tệ. Người ta ăn 1 vị nó quen miệng, ngó ra ngoài đầy màu sắc lại thèm thêm vài vị lạ lẫm nữa, kết cục toàn chua cay đắng chát. Có những khi, đàn ông phải lạc lối mới biết con đường về nhà quý giá thế nào. Rất may là anh còn cơ hội và không phải thằng chồng tồi nào cũng may mắn như anh".
Còn chị, chị không hề có ý định dùng cách quen thuộc để kéo anh về. Chỉ là chị sống đúng với cái tâm của mình, chị nghĩ đối xử tốt với bố của con mình cũng là cách để bản thân được thanh thản.
Vậy đó, tình yêu là cả quá trình, có những lúc giông bão, lúc chông chênh tưởng chừng như muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi, chỉ cần những người có lòng rồi sẽ tìm được đường về bên nhau. Vì hạnh phúc chỉ dành cho người biết trân trọng.