Đúng là tâm can chị chết rồi, mà chết tâm ở đàn bà nào có phải là một khoảnh khắc. Đâu phải vì giận mà bỏ đi, đâu phải vì hận mà vô cảm vô tình. Cũng đâu phải là để trả thù mà hết tình hết nghĩa. Đàn bà chết tâm chính là...
- Đàn bà ngoại tình: Mất nhiều hơn được
- Đàn bà 40, nghĩ là úa tàn hết thời, hóa ra lại ngát hương nhất đời…
Tâm can đàn bà, tôi luôn nghĩ là những gì ấm áp và đầy bao dung nhất trên thế gian này. Đàn bà làm mẹ, đàn bà làm vợ, đàn vợ làm dì, làm chị…yêu bao nhiêu cũng không tiếc, hy sinh thế nào cũng chẳng nề hà. Trái tim đàn bà sinh ra vốn dĩ là để mài giũa những gì gai góc nhất trên thế gian này. Đi một vòng xa xôi, tôi đã luôn tin nơi đáng trở về nhất chính là trái tim của đàn bà, là thế giới đàn bà góp nhặt từng ngày để yêu thương và tận tụy. Nhưng không phải ai cũng biết, chính lòng dạ đàn bà lại là nơi hà khắc và tàn nhẫn nhất khi đã cạn cùng hết yêu thương.
Chị hỏi tôi, rốt cuộc có biết khi nào đàn bà đáng sợ nhất không? Tôi cười bảo, khi đàn bà đánh ghen à? Chị lắc đầu, tay lắc nhẹ ly rượu, thứ chất lỏng đo đỏ sóng sánh khó chiều. Chị nói nhẹ, đàn bà còn biết đánh ghen thì có gì mà sợ, khi đó họ vẫn còn biết nổi giận, còn biết hận thù sân si. Chứ đến khi chẳng thèm khóc than, lặng thinh với hết thảy hợp tan, đàn bà chết tâm mới là đáng để sợ nhất…
Chị nói với tôi, ngày chị viết đơn ly hôn chồng, ai cũng bảo chị là người đàn bà không có lương tâm. Họ trách chị không tha thứ nổi cho chồng, họ bảo chị là ích kỷ chỉ nghĩ đến đau thương của mình. Họ chỉ thấy ánh hào quang của một người đàn ông thành đạt cần vợ thấu hiểu những ngả nghiêng lạc lối. Họ chỉ thấy một lần anh lỡ thu gọn không hết vết tích ngoại tình. Họ chỉ thấy ở chị một người vợ chỉ ở nhà thong thả nhàn hạ đợi chồng về mỗi ngày. Họ làm sao thấy những cuộc tình vụng trộm của anh nào có đếm trọn trên một bàn tay. Họ nào có biết suốt 10 năm dài chị đã che giấu bao lần chồng lạc lối. Họ cũng có thấy được ngưỡng chịu đựng cuối cùng của chị là vì chồng mà đổ vỡ nát tan. Từ người đàn bà từng lạc quan đầy yêu thương, tâm can chị dần chết mòn chết mỏi theo ngần ấy bội bạc của anh
Chị cười nhạt, họ nói chị là người đàn bà không có tâm can. Đúng là tâm can chị chết rồi, mà chết tâm ở đàn bà nào có phải là một khoảnh khắc. Đâu phải vì giận mà bỏ đi, đâu phải vì hận mà vô cảm vô tình. Cũng đâu phải là để trả thù mà hết tình hết nghĩa. Đàn bà chết tâm chính là tích góp từng ngày đắng cay, gom nhặt từng tháng thương tổn mỏi mệt. Từ vài câu chồng nói lạnh nhạt, đến những việc chồng không còn thiết tha, mỗi ngày đều từng chút một mà quá sức chịu đựng. Chị tập vươn tay níu kéo, dù dăm bận chính là không thể với tới. Chị cố sức chạy theo, dù có mấy bận kịp đâu. Ngày nối ngày, cô đơn chồng chất mỏi mệt, vậy mà rã rời.
Đến cuối cùng, như một hệ quả phải xảy ra, chị chỉ còn có thể đứng nhìn bóng dáng người đàn ông mình rời đi, không vươn tay nổi níu kéo, không đủ sức chạy tới, kiệt cùng nghĩa tình, trái tim chị rỗng tuếch không nổi một tấc yêu thương. Chị lúc đó, có còn gì mà ở lại, có còn chi mà đòi yêu thương ai? Thế thì chỉ còn có thể đi, chỉ còn có thể bỏ hết mà rời đi. Vậy mà đến cả việc rời đi cũng khó khăn quá. Lòng dạ đã cạn cùng mỏi mệt hết rồi cũng là đáng trách?
Chị hỏi tôi, có ai từng nghĩ kẻ ra đi mới là kẻ đáng thương nhất. Có ai từng biết đàn bà chết tâm mới là một đời khó lòng bồi hoàn hạnh phúc? Sao thế gian cứ phải bắt đàn bà phải thứ tha khi rốt cuộc một lần tha thứ rút cạn bao nhiêu hạnh phúc lòng dạ của đàn bà? Sao đàn ông đến cuối cùng vẫn một mực đày đọa tâm can đàn bà đến kiệt cùng bất hạnh? Có chăng, đàn bà cũng chỉ mong hạnh phúc. Có chăng đàn bà cũng chỉ muốn yêu thương, vậy mà khó, vậy mà một đời bể dâu...