Những điều cần lưu ý khi làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết để vạn sự tốt lành, cả năm tài lộc dồi dào sung túc

Tâm linh - Tử vi 22/01/2023 02:28

Mong muốn một năm đủ đầy, sung túc, hạnh phúc, nên hầu như mâm cỗ mùng 1 Tết của mọi nhà đều được bày biện đủ món, sắp xếp chỉnh chu, trau chuốt.

Mùng 1 Tết là ngày vô cùng quan trọng trong năm, bởi nó là ngày đầu tiên bắt đầu năm mới. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt ta đã có lệ làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, còn gọi là mâm cỗ cúng Nguyên Đán, tức cúng vào sáng sớm của ngày đầu năm, ngày mùng 1 Tết. 

Song song với đó là việc cúng lễ gia tiên, thần linh trong nhà cũng được tiến hành tươm tất hơn.Cúng tổ tiên, gia tiên trong những ngày Tết bao gồm ngày mùng 1 Tết nhằm thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo và tạ ơn ông bà tổ tiên, các vị thần linh cai quản trong gia đình đã phù hộ, độ trì cho con cháu trong nhà một năm qua bình an vô sự, mọi sự đều tốt lành.

Những điều cần lưu ý khi làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết để vạn sự tốt lành, cả năm tài lộc dồi dào sung túc - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết như thế nào?

 

 Để có mâm cỗ cúng mùng 1 Tết được tươm tất, đủ đầy, người ta thường chuẩn bị lễ vật gồm cả lễ chay và lễ mặn cùng với tiền vàng, đèn nến. Lễ chay thường có trái cây, hương hoa, trầu cau, trà nước… Lễ mặn sẽ có bánh chưng (hoặc bánh tét), gà luộc, rượu và các món ăn khác tùy theo điều kiện của gia chủ. Thường các món ăn này là những món đặc trưng ngày Tết như giò chả, nem rán, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, thịt đông….

 

Một điều đặc biệt mà gia chủ cần lưu ý là nếu có ý định cúng gà luộc trong sáng mùng 1 thì nên làm gà sẵn từ chiều 30 Tết. Sở dĩ như vậy là vì đầu năm sát sinh là điều kiêng kị, không tốt lành cho gia đình. 

 

 

Gia chủ sáng sớm dậy chuẩn bị mâm cỗ cúng mùng 1 Tết dâng lên thần linh, tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội, cũng là mong được các vị bề trên che chở, phù hộ cho năm mới an lành. Hương tàn thì gia chủ lễ tạ và hạ cỗ xuống cho mọi người trong nhà cùng hưởng lộc. Đọc thêm Văn khấn mùng 1 Tết - Cúng lễ Tổ tiên (mồng 1 Tết)

 

Còn 1 điều khác biệt trong lễ cúng sáng mùng 1 Tết đó là toàn bộ tiền vàng sau lễ cúng vẫn được để nguyên trên bàn thờ chứ chưa đem đi hóa. Đèn nến trên ban thờ cũng thường được thắp sáng liên tục cho đến 3 ngày sau, đến lễ Hóa vàng mới thôi. Tới lễ hóa vàng, người ta sẽ đem tiền vàng trên ban thờ đi hóa.

 

Những điều cần lưu ý khi làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết để vạn sự tốt lành, cả năm tài lộc dồi dào sung túc - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Văn khấn mùng 1 Tết

Văn khấn tổ tiên ngày mùng 1 Tết (theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin)

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật

Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, đường thượng tiên linh, và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng năm ……, chúng con là:…… hiện cư ngụ tại số nhà ……, ấp/ khu phố ….., xã/phường …………, quận/huyện ………, tỉnh/thành …………

Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên đán, mồng một đầu xuân, mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới.

Con cháu tưởng niệm ân đức tổ tiên như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo đáp ba xuân.

Do đó, chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng trước án.

Kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không hạn ách nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Tín chủ chúng con đồng tâm kính mời các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng, phù hộ cho chúng con được bách sự như ý, vạn sự cát tường.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

* Thông tin chỉ mang tính tham khảo

Ngày cuối cùng của năm cũ: Tâm điểm của sự tất bật, đậm đà hương vị Tết và triết lý "đêm ba mươi" đầy sâu sắc

Theo dân gian, ngày ba mươi chính là ngày tất bật, sôi động và đậm đà hương vị Tết nhất. Và theo lẽ thì Ba mươi - ngày cuối cùng của năm cũ chính là ngày vui nhất trong dịp Tết Nguyên đán!

TIN MỚI NHẤT