Viêm cầu thận mạn là căn bệnh khiến chức năng thận của người bệnh bị suy giảm từ từ, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về viêm cầu thận mạn và chế độ ăn cho người viêm cầu thận mạn để có được sức khỏe tốt nhất.
- Cách làm sò huyết nướng mỡ hành chuẩn thơm ngon hấp dẫn, ăn là ghiền tại nhà!
- Cách làm tôm xào hành tây chuẩn ngon, lạ miệng và siêu đơn giản tại nhà!
Nội dung bài viết
- Viêm cầu thận mạn là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Người bị viêm cầu thận mạn nên ăn gì thì tốt cho sức khỏe?
- Người bị viêm cầu thận mạn cần kiêng ăn gì?
Viêm cầu thận mạn là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Viêm cầu thận mạn là quá trình tổn thương thực thể xảy ra ở tất cả các cầu thận của cả hai bên quả thận ở người, đây là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì căn bệnh này chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh suy thận mạn tính và bệnh thận giai đoạn cuối.
Viêm cầu thận mạn là một tập hợp các bệnh ở thận bao gồm các tình trạng: tăng sinh, phù nề, xuất huyết và hoại tử hyalin, xơ hóa một phần hoặc toàn bộ cầu thận. Bệnh tiến triển từ từ và kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả hai thận và không thể hồi phục được.
Biểu hiện của bệnh viêm cầu thận mạn rất đa dạng và không giống nhau ở tất cả bệnh nhân. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm cầu thận mạn là: phù, protein niệu, hồng cầu niệu, tăng huyết áp. Bệnh thường diễn biến thành từng đợt cấp tính, sau khoảng từ 10-15 năm sẽ xuất hiện suy thận mạn tính không thể hồi phục.
Viêm cầu thận mạn hiện đang là căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng con người nhưng vẫn cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì bệnh nhân có thể lành bệnh hoặc thuyên giảm.
Người bị viêm cầu thận mạn nên ăn gì thì tốt cho sức khỏe?
1. Khoai lang, khoai sọ
Thay vì lựa chọn nguồn cung cấp chất đường bột chính là cơm thì người bị viêm cầu thận mạn nên lựa chọn các thực phẩm vừa có chất đường bột nhưng lại giàu gluxit như khoai lang, khoai sọ, miến dong, bột sắn dây, mật ong,… Hãy ăn ít cơm gạo trắng đi, mà thay vào đó là thay bằng ăn khoai lang, khoai sọ hay miến. Tuy nhiên, cũng nên ăn với mức độ vừa phải, không phải thực phẩm gì tốt là ăn nhiều, sẽ không tốt cho việc chuyển hóa, lại gây áp lực lên hoạt động của thận.
2. Chất béo có lợi
Người bị viêm cầu thận mạn nên sử dụng các nguồn chất béo không bão hòa, là những loại chất béo tốt, không chứa cholesterol, không làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tim mạch và cũng làm giảm nguy cơ gây hại thêm cho hận.
Cụ thể, chất béo không bão hòa đơn có trong đậu phộng, bơ, dầu ô liu, hạt óc chó, macca,… Nguồn chất béo không bão hòa đa có trong cá hồi, đậu nành và dầu cá. Bên cạnh đó, người bệnh không nên dùng các loại chất béo từ động vật như mỡ gà, mỡ lợn,...đồng thời cũng nên hạn chế trứng và các thực phẩm giàu cholesterol khác.
3. Bắp cải, súp lơ
Bắp cải thuộc họ rau cải, chứa nhiều khoáng chất, các vitamin và các hợp chất chống viêm mạnh mẽ, đồng thời, đây còn là nguồn vitamin K, vitamin C, vitamin B, chất xơ không hòa tan dồi dào, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, trong bắp cải còn chứa rất ít kali, photpho và natri, không làm gây hại thêm cho tình trạng viêm cầu thận của bệnh nhân.
Bên cạnh bắp cải thì súp lơ cũng là một loại rau có nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin C, vitamin K và vitamin B folate. Ngoài ra, trong súp lơ cũng có đầy đủ các hợp chất chống viêm như và là một nguồn chất xơ dồi dào, đồng thời cũng chứa ít natri, kali và photpho, nên chắc chắn là thực phẩm tốt cho người bị viêm cầu thận mạn.
Người bị viêm cầu thận mạn cần kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm được khuyên dùng cho người bị viêm cầu mạn thận, thì cũng có những loại thực phẩm mà người mắc bệnh này cần tránh xa, để làm giảm thiểu đi các nguy cơ mà bệnh có thể gây ra. Sau đây là một số loại thực phẩm mà người bệnh viêm cầu thận không nên ăn:
1. Các thực phẩm chứa nhiều muối
Người bị viêm cầu thận mạn không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều muối, vì muối chính là là khắc tinh của thận, càng ăn nhiều muối thì thận lại càng phải tăng cường làm việc và chịu tổn thương nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều muối cũng khiến người bị viêm cầu thận bị tăng tích nước, phù nề, ứ dịch, gia tăng các phản ứng sưng viêm và chứng cao huyết áp. Lượng muối thích hợp cho người bị viêm cầu thận mạn là chỉ từ 2-3g/ngày.
Chính vì vậy, khi chế biến các thực phẩm, bạn nên hạn chế cho muối, đồng thời, các thực phẩm nhiều muối như các loại thịt khô, cá khô được tẩm ướp nhiều gia vị, các loại thịt cá hộp được chế biến sẵn cũng nên được loại bỏ ra khỏi thực đơn của bạn nhé.
Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân đang bị phù, đang tăng huyết áp thì phải ăn nhạt tuyệt đối, tốt nhất là nên bỏ hẳn ăn mì chính.
2. Giảm tiêu thụ chất đạm
Chế độ ăn của người bị viêm cầu thận mạn cũng cần phải lưu ý đến hàm lượng protein. Bởi vì khi giảm lượng protein tiêu thụ sẽ giúp thận giảm tải gánh nặng trong công việc lọc qua cầu thận.
Lượng đạm thích hợp chỉ là 1 -1,5g protein/kilogam cơ thể/ngày. Ví dụ, với người có trọng lượng cơ thể là 50kg thì chỉ nên dao động từ 50-75g đạm một ngày. Trong trường hợp người bệnh đang bị tái phát và bị viêm cầu thận cấp thì chỉ được ăn dưới 0,6g/kilogam cơ thể/ngày.
Cũng cần phải chú ý đến nguồn đạm của thực phẩm. Người viêm cầu thận mạn nên chọn nguồn đạm từ thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ như: đậu nành, đậu lăng, đậu gà, đậu đỏ, đậu xanh… Đây là những thực phẩm chứa nhiều đạm và lại chứa ít chất béo, rất có lợi cho quá trình làm việc của thận. Vừa có thể đáp ứng được nhu cầu protein để cơ thể hoạt động nhưng sẽ không gây hại đến tình trạng tổn thương đang diễn ra tại cầu thận.
Với những bệnh nhân viêm cầu thận mạn mà đã bị suy thận rồi thì chế độ ăn lại cần giảm đạm đi nữa. Nếu ăn thịt nạc, cá thì chỉ ăn tối đa khoảng 50g mỗi ngày. Uống sữa thì chỉ 100-200ml một ngày. Trứng gà, trứng vịt chỉ ăn 2-3 quả một tuần. Song song với đó, cũng chỉ nên chọn các loại rau củ quả có nguồn đạm thấp.
3. Các thực phẩm chứa nhiều kali, photpho
Việc tăng kali quá mức do bệnh viêm cầu thận sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp tim và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, trong chế độ ăn của người bệnh cần cắt giảm lượng kali để làm chậm sự tích tụ của chất thải trong máu. Bởi vậy, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều kali như: khoai tây, bí, chuối, cam, cà chua, đậu, quả hạch...
Khi bị mắc bệnh viêm cầu thận, tức là chức năng thận của người bệnh bị suy giảm đáng kể. Và nếu chức năng thận suy yếu, thì lượng phốt pho trong máu sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và gây bệnh xương khớp. Chính vì vậy, các thực phẩm giàu photpho như sữa nước đá, sữa chua, đậu Hà Lan, đậu, bơ đậu phộng, các loại hạt, các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều phụ gia, đặc biệt là nội tạng động vật,.. đều là những thực phẩm mà người bệnh viêm cầu thận mạn không nên ăn.
Trên đây là tất tần tật mọi thông tin về căn bệnh viêm cầu thận mạn. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp các độc giả nhận thức được chính xác về bệnh này, đồng thời biết cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để có thể cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn nhé!