Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào?

Sức khỏe 08/08/2022 17:36

Uống rượu pha nước ngọt, nước tăng lực, soda... là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo việc làm này rất có hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Vụ việc 8 sinh viên nghi ngộ độc rượu tại TP. HCM dẫn đến 2 người tử vong, 6 người cấp cứu đang khiến dư luận bàng hoàng. Được biết, nhóm 8 người này đã lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết. Hiện sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trước thực trạng nhiều người thường pha nước ngọt, nước tăng lực vào rượu cho dễ uống, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà - Bệnh viện ĐKQT Nam Sài Gòn (TP.HCM) cảnh báo, rượu pha với nước ngọt có ga hoặc soda chứa nhiều CO2 sẽ khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm đau đầu, chóng mặt.

Nếu có triệu chứng ngộ độc thì sẽ trầm trọng hơn, làm tăng độc tính lên hệ thần kinh gây mất ý thức, giảm trí nhớ, tăng độc tính lên mạch máu gây giãn mạch máu ngoại vi ở da, co mạch não, tim... gây tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí đột tử.

Ngoài ra, bác sĩ Hà cũng cho rằng, 1 g rượu chứa 7 kcal, 1 g đường chứa 4 kcal. Pha chung thường dễ uống sẽ càng kích thích uống nhiều hơn, càng làm dư thừa lượng rượu và năng lượng nạp vào cơ thể. Về lâu dài, gây ảnh hượng nặng đến hệ thần kinh, suy tế bào gan,...

Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1
Uống rượu pha với nước ngọt, nước tăng lực,...làm suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong. Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ thêm về việc nhiều người thường dùng các loại nước ngọt pha vào rượu bia để uống, chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho rằng việc này gây hại sức khỏe.

Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.

 

Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn, làm người uống đau đầu, chóng mặt, hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.

Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da, nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.

Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Lượng caffeine trong nước tăng lực cao khiến người uống dù say, ngừng uống vẫn tỉnh táo, gây nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.

Thêm vào đó, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.

Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2
Bệnh nhân uống rượu pha với nước ngọt nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 bệnh tật, được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Do đó, dù sử dụng ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe đồng thời cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tuân thủ 7 quy tắc này, bạn sẽ khôn còn phải lo lắng về cân nặng của mình trong khi cố gắng vượt qua cơn thèm ăn nữa

Theo các chuyên gia thì muốn loại bỏ mỡ nội tạng bạn nên chọn món ăn phù hợp, uống nhiều nước hơn,… thay vì nhịn ăn thiếu khoa học.

TIN MỚI NHẤT