Nếu so sánh với Covid-19 thì bệnh bạch hầu đáng sợ hơn vì tỉ lệ xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong cao hơn. Tuy nhiên nhờ vào vaccine mà bệnh đã được kiểm soát khá tốt.
- Một bệnh nhân bệnh bạch hầu bị biến chứng rất nặng được đưa về TP. HCM tiếp tục chữa trị
- Thời điểm này cần cảnh giác bệnh bạch hầu: Cũng lây qua đường hô hấp giống Covid-19 nhưng gây tử vong cực nhanh, dấu hiệu rất dễ nhầm với bệnh vặt
Tác nhân gây bệnh
Bệnh này gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Đây là vi khuẩn gram dương, hình que, hiếu khí. Vị trí tấn công phổ biến nhất vi khuẩn này là vùng hầu họng và hình thành màng giả (pseudomembrane) màu trắng nên bệnh có tên gọi là bạch hầu. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể nhiễm ở vùng da hoặc bộ phân sinh dục (hiếm xảy ra).
Giống như bệnh COVID-19, vị trí gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp nên việc lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu cũng xảy ra dễ dàng qua đường các hạt dịch hô hấp bắn ra từ người bệnh.
Vì đây là vi khuẩn (bacteria) chứ không phải là virus như SAR-CoV2 nên chúng có khả năng tự sống sót độc lập trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ tốt hơn (từ 7 ngày cho đến 6 tháng), từ đó tăng cơ hội nhiễm sang người khác hơn nếu vùng có người bị nhiễm bệnh không được làm vệ sinh tiệt trùng kỹ.
Triệu chứng và cơ chế gây bệnh
Các triệu chứng ban đầu bao gồm khó chịu, đau họng, chán ăn và sốt nhẹ ( khoảng 38°C). Trong vòng 2-3 ngày, một màng màu trắng hơi xanh hình thành và mở rộng, từ việc che một mảng nhỏ trên amidan đến bao phủ hầu hết vòm miệng.
Thông thường vào thời điểm đi khám bác sĩ thì màng đã có màu xanh xám hoặc đen nếu đã bị chảy máu. Màng này bám chắc vào mô và nếu cố gắng loại bỏ nó sẽ gây chảy máu.
Nếu sự màng này mở rộng do sự sinh sản của vi khuẩn có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp. Trong khi một số bệnh nhân có thể phục hồi vào thời điểm này mà không cần điều trị, những người khác có thể bị bệnh nặng hơn và thậm chí bị chết.
Tính độc gây chết người của vi khuẩn bạch hầu thường bắt nguồn từ chất độc được tiết ra bởi vi khuẩn này có tên là Diptheria Toxin hay gọi tắt là DT. Nếu hấp thụ đủ độc tố, bệnh nhân có thể bị xanh xao, mạch đập nhanh, choáng váng, hôn mê và thậm chí có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
Gene mã hóa cho chất độc này thực ra không phải của vi khuẩn mà nó có nguồn gốc từ một loại virus của vi khuẩn (trong chuyên môn gọi virus này là bacteriophage hay ngắn gọn là phage).
Độc tính của vi khuẩn có thể mạnh hơn khi số lượng gene độc tố này được gắn vào trong bộ gene của vi khuẩn nhiều hơn (những chủng có khoảng 2-3 bản sao chép của gene độc tố này có thể được xem là nguy hiểm).
Diptheria Toxin (DT) là một loại "độc tố ngoại bào" (exotoxin), tức là chúng có thể tiết ra ngoài trong quá trình sống của vi khuẩn. Từ đó độc tố DT có thể di chuyển khắp cơ thể vào bám dính vào các tế bào có thụ thể phù hợp (như thụ thể HB-EGF) để bắt đầu quá trình xâm nhập vào trong tế bào.
Khi vào được bên trong thì độc tố này sẽ ngăn cản quá trình tạo protein của tế bào, một quá trình quan trọng của một tế bào sống. Hậu quả của việc không tạo được protein là tế bào sẽ chết.
Người ta xác định lượng độc chất DT có thể gây chết ở người là khoảng cỡ hoặc dưới 100 ng/kg (một người 50 kg có thể chết khi trong người có khoảng 5 microgram độc tố).
Cơ tim và dây thần kinh ngoại biên là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ dẫn đến biến chứng chết người. Ngoài ra các biến chứng khác bao gồm viêm tai giữa và suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
Điều trị và tỷ lệ tử vong
Việc điều trị bạch hầu ngày nay thường được kết hợp sử dụng kháng sinh (penicillins, cephalosporins, erythromycin, and tetracycline) để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu với chất kháng độc tố (antitoxin) để trung hòa các độc tố do vi khuẩn tiết ra.
Bệnh nhân bạch hầu thường được cách ly cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm cho người khác, thường là khoảng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Tỷ lệ tử vong chung của trường hợp mắc bệnh bạch hầu là 5%-10%, với tỷ lệ tử vong cao hơn (lên tới 20%) ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi.
Do tỷ lệ tử vong cao và khả năng lây lan dễ dàng nên vào giai đoạn trước khi vaccine được áp dụng rộng rãi thì bệnh bạch hầu đã từng là nỗi sợ hãi của nhiều nơi trên thế giới.
Ở Anh và xứ Wales trong những năm 1930, bệnh bạch hầu là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 15 tuổi.
Hoa Kỳ đã ghi nhận 206.000 trường hợp mắc bệnh bạch hầu vào năm 1921, dẫn đến hơn 15500 ca tử vong. Trong thế chiến thứ 2, dịch bệnh này cũng làm khoảng 1 triệu người ở châu Âu nhiễm bệnh và khoảng 50 ngàn người chết.
Vaccine - Cách phòng bệnh hiệu quả
Quá trình phát triển vaccine ngừa bệnh bạch hầu được bắt đầu từ những năm 1900, với mục tiêu điều trị dự phòng bằng các hỗn hợp độc tố (toxin) và chất kháng độc tố (antitoxin). Sau đó toxoid, dạng độc tố được bất hoạt (không còn độc nữa), được phát triển vào khoảng năm 1921 để thay thế nhưng không được sử dụng rộng rãi cho đến đầu những năm 1930.
Sau đó nó được kết hợp với vaccine uốn ván, ho gà và bắt đầu được sử dụng đại trà vào những năm 1940 đã làm cho số lượng người nhiễm bệnh bạch hầu giảm đáng kể trên thế giới, dữ liệu cho thấy ở Mỹ trong giai đoạn sau 1950 số lượng này đã giảm hơn 90% và nhiều năm không có phát hiện ca nào.
Tuy việc vaccine bệnh bạch hầu đã và đang được thực hiện rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới nhưng thỉnh thoảng dịch bệnh cũng bùng phát ở một số nơi, đặc biệt là các vùng nghèo, tình trạng y tế thiếu thốn hoặc quản lý về tiêm phòng lỏng lẻo và cả những nơi mà hội "anti vaccine" đang hoành hành.
Các kết quả nghiên cứu về dịch tễ cho thấy trong cộng đồng cần có lượng người được chích vaccine khoảng từ 80-85% để có hiệu quả của miễn dịch cộng đồng (Herd Immunity).
Miễn dịch cộng đồng là một phương pháp hiệu quả trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm khi vaccine hiệu quả đã được tìm ra (nếu các bạn nào chưa hiểu về vấn đề này nên đọc bài trước đó mình đã phân tích về miễn dịch cộng đồng ở link phía dưới). Do vậy để ngăn ngừa được dịch bệnh này việc làm tốt nhất hiện nay đó là "đi chích ngừa vaccine".
Hiện nay DTaP là loại vaccine được sử dụng cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi với thành phần giúp phòng ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà. Lịch trình thông thường là một loạt gồm 4 liều lúc 2, 4, 6 và 15-18 tháng tuổi.
Liều DTaP thứ nhất, thứ hai và thứ ba nên được tách ra tối thiểu 4 tuần. Liều thứ tư nên cách liều thứ ba không dưới 6 tháng, và lúc đó trẻ nên hơn 12 tháng tuổi.
Đối với trẻ em hơn 11 tuổi và người lớn từ 19 đến 64 tuổi thì vaccine Tdap được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, nếu bạn chưa chích ngừa nên đến cơ sở y tế, bệnh viện để tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế và chọn phương pháp chích ngừa phù hợp.