Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 127 ca mắc ho gà trong 4 tháng đầu năm.
- Bé trai 7 tuổi cùng ông nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm hái trong vườn
- Bé gái 2 tháng tuổi ở Bình Dương sốc phản vệ sau tiêm và uống vắc xin
Theo thông tin từ tạp chí Tri thức, bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi năm, đơn vị này đều ghi nhận các ca mắc bệnh ho gà rải rác . Tuy nhiên, trong năm nay, số ca mắc và nhập viện vì ho gà cao hơn các năm trước rất nhiều.
Cụ thể, tất cả bệnh nhi đều là trẻ dưới 1 tuổi, đa số chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi, chưa đủ kháng thể phòng bệnh. Các trường hợp trong năm nay được nhận định chưa xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm. Trong những năm trước đây, khoa đã có những ca phải điều trị hồi sức tích cực, thậm chí lọc máu để cứu sống các bệnh nhi ho gà.
Theo bác sĩ, trong năm nay, tỷ lệ trẻ em mắc ho gà tăng cao có thể do khoảng trống miễn dịch. Một số trẻ lớn và người lớn không được tiêm nhắc có thể mắc bệnh, lây lan cho các trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa. Một số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi khiến tỷ lệ lây bệnh vì thế tăng cao hơn.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 127 trường hợp mắc ho gà, số mắc tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Loại vi khuẩn này gây ra bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính dẫn đến những biến chứng nặng nề gây tử vong.
Bệnh thường phát triển trong mùa xuân - hè, tiến triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi phát kéo dài trong 1-2 tuần đầu, lúc này trẻ thường ho nhẹ về đêm. Từ tuần thứ 3 trở đi, triệu chứng ho rầm rộ hơn, kèm theo các triệu chứng tím tái, thậm chí khiến béngưng thở. Đây là giai đoạn trẻ dễ gặp biến chứng nhất. Sang tuần thứ 4-5, bệnh bước vào giai đoạn hồi phục, các cơn ho giảm dần.
Theo thông tin từ báo Dân Việt, Thạc sĩ Hậu cho biết, bệnh ho gà lây trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp. Bệnh lây mạnh nhất trong giai đoạn viêm long, thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Trẻ sơ sinh và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Ho gà nguy hiểm với trẻ em nhưng là bệnh có thể phòng ngừa được. Bác sĩ Trần Thị Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất.
Trẻ được tiêm 3 mũi chính khi trẻ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi; mũi 4 nhắc lại khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ ần đảm bảo tiêm chủng đúng lịch để hạn chế mắc bệnh ho gà và các bệnh khác làm giảm hiệu quả của vaccine.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Võ Lộc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ), để phòng bệnh hiệu quả ngoài tiêm phòng đầy đủ cho trẻ thì bố mẹ cần giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện thăm khám định kỳ cho trẻ tại các cơ sở y tế để có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng.
Liên quan đến bệnh ho gà, thời gian gần đây, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine. Theo đó, đối với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...) cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.