Cô gái trẻ 26 tuổi có tiền sử bệnh lupus ban đỏ hệ thống nhưng không tái khám theo hẹn, dùng thuốc theo đơn thuốc cũ. Bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tăng huyết áp, thiếu máu nặng và có dấu hiệu tổn thương thận.
- Nhà cửa sạch sẽ là phong thủy tốt nhất để đón Tết
- Cảnh báo uống rượu ngâm tăng cường sinh lý: Lợi bất cập hại, có thể gây ra 300 mã bệnh
Theo TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân là nữ (26 tuổi, tại Bắc Kạn) đến khám tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tăng huyết áp, ban đỏ cánh bướm mặt.
Kết quả khám cho thấy bệnh nhân có nhiều chỉ số đe doạ tới tính mạng như: bị thiếu máu nặng, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. Bệnh nhân lập tức được chỉ định nhập viện và truyền máu, lọc máu cấp cứu nếu không sẽ đe doạ tới tính mạng.
Trước đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống tại Bệnh viện và viêm cầu thận lupus được chỉ định tái khám định kỳ. Tuy nhiên, do bệnh nhân ngại đi khám nên đã dùng thuốc theo đơn cũ của bác sĩ kê.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng mệt nhiều, hoa mắt chóng mặt, không muốn ăn uống, đau khớp, nổi ban đỏ trên mặt, buồn nôn và không đi tiểu được thì mới trở lại bệnh viện khám.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh mạn tính, suốt đời, bệnh không lây, nhưng tiến triển từng đợt. Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị của bác sĩ, thường xuyên khám định kì tại phòng khám chuyên đề.
Theo bác sĩ Khánh, trường hợp của bênh nhân 26 tuổi trên do chủ quan không đi khám và tự dùng thuốc theo đơn trước đó bác sĩ kê nên đã khiến cho bệnh tiến triển rất nguy hiểm.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh có thể gây tổn thương đa mô và cơ quan, mỗi bệnh nhân lại có một biểu hiện khác nhau nên cần đi khám và có sự tham vấn điều trị của bác sĩ.
Theo các chuyên gia da liễu, lupus ban đỏ hệ thống – Systemic lupus erythema (SLE) là bệnh tự miễn do rối loạn của hệ miễn dịch, có liên quan tới yếu tố di truyền. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới da, mà còn gây ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong cơ thể như là thận, tim, phổi, gan…
Bệnh hay gặp ở nữ hơn nam, tỷ lệ nữ/nam là 9/1, độ tuổi trung bình 20 - 50 tuổi.
Bệnh nhân cần phải lưu ý ánh sáng mặt trời có thể làm khởi phát bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn. Một số thuốc (hydralazine, procainamide, thuốc tránh thai…), nhiễm trùng, căng thẳng hay chấn thương có thể làm bùng phát bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm.
Do lupus ban đỏ là bệnh tự miễn nên hiện vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể thao, tránh béo phì (béo phì là nguy cơ cao khiến bệnh nặng thêm).
Người bệnh cần xây dựng và sử dụng chế độ ăn hợp lý. Không sử dụng thuốc bừa bãi để tránh làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Không dùng các loại thuốc lá, thuốc nam. Đặc biệt, người bệnh cần phải tránh nắng đúng cách. Tuân thủ điều trị của bác sĩ, thường xuyên khám định kì tại phòng khám chuyên đề.
Yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng: Để sống chung với bệnh cần có tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, lo lắng. Hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, làm việc cho phù hợp để tạo tinh thần vui vẻ, thư giãn.