Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên vừa cấp cứu thành công một thanh niên 16 tuổi, nhập viện nguy kịch vì một vết thương nhỏ ở chân.
- Chơi đùa cùng bạn bé trai ngã từ độ cao 1,5m và vỡ đôi lá lách
- Những bệnh về mắt vào mùa hè và cách chăm sóc cho 'cửa sổ tâm hồn' ai cũng nên biết
Theo thông tin ghi nhận từ báo Sức Khỏe & Đời Sống, nam bệnh nhân trú tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân có triệu chứng cứng hàm, cứng gáy, khó há miệng, gáy cứng, dễ kích thích co cơ với tiếng động, tiên lượng nặng. Vết thương ở lòng bàn chân đã khô đóng vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván thể cấp tính.
Khai thác tiền sử được biết, trước khi nhập viện cấp cứu 10 ngày, bệnh nhân giẫm phải đinh sắt gây nên vết thương nhỏ ở lòng bàn chân, vết thương đã khô miệng. Tuy nhiên, trong lúc làm việc, bệnh nhân đột ngột kích thích co cứng toàn thân, ngã, co giật nên được người thân đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: Uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra. Nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương nhỏ như giẫm phải đinh, gai…
Thông thường trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ. Ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh. Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết chăm sóc, xử trí đúng vết thương.
Các giai đoạn diễn ra khi bạn mắc bệnh uốn ván
Thời kỳ ủ bệnh
Tính từ khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh uốn ván, thường là biểu hiện cứng hàm. Thời kỳ ủ bệnh có thể từ 3-21 ngày. Sau khi bị thương, khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% phát bệnh sau 14 ngày, trung bình là 7 ngày. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn (< 7 ngày) thì bệnh càng nặng.
Thời kỳ khởi phát
Tính từ lúc cứng hàm đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng – thanh quản đầu tiên, thường từ 1-7 ngày. Thời gian khởi phát càng ngắn (< 48 giờ) bệnh càng nặng.
Triệu chứng khởi đầu là cứng hàm: lúc đầu mỏi hàm, nói khó, nuốt vướng, khó nhai, khó há miệng tăng dần và liên tục. Khi dùng đè lưỡi ấn hàm xuống thì hàm càng cắn chặt hơn (dấu hiệu trismus). Dấu hiệu này gặp ở tất cả các người bệnh.
Ngoài ra người bệnh còn bị co cứng các cơ khác:
- Tình trạng co cứng các cơ mặt làm cho nếp nhăn trán hằn rõ, hai chân mày cau lại, rãnh mũi má hằn sâu.
- Tình trạng co cứng cơ gáy: cổ bị cứng và ngửa dần, 2 cơ ức đòn chũm nổi rõ.
- Co cứng cơ lưng: lưng uốn cong hay ưỡn thẳng lưng.
- Co cứng cơ bụng: 2 cơ thẳng trước gồ lên và sờ vào bụng thấy cứng.
- Co cứng cơ ngực, cơ liên sườn: lồng ngực hạn chế di động.
- Co cứng cơ chi trên: luôn có tư thế gập tay.
- Co cứng chi dưới tạo tư thế duỗi.
Khi kích thích, các cơn co cứng tăng lên làm cho người bệnh rất đau. Có thể gặp các biểu hiện khác như: bồn chồn, sốt cao, vã mồ hôi và nhịp tim nhanh.
Thời kỳ toàn phát
Từ khi có cơn co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng/thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu thời kỳ lui bệnh, thường kéo dài từ 1-3 tuần với các biểu hiện:
- Co cứng cơ toàn thân liên tục, tăng lên khi kích thích, người bệnh rất đau, co cứng điển hình làm cho người người bệnh ưỡn cong.
- Co thắt thanh quản gây khó thở, tím tái, ngạt thở dẫn đến suy hô hấp, ngừng tim.
- Co thắt hầu họng gây khó nuốt, nuốt vướng, ứ đọng đờm rãi, dễ bị sặc.
- Co thắt các cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện.
- Cơn co giật toàn thân trên nền co cứng cơ xuất hiện tự nhiên, tăng lên khi kích thích. Trong cơn co giật, bệnh nhân vẫn tỉnh, nắm chặt tay, uốn cong lưng và tay ở tư thế dạng hoặc gấp, chân duỗi, thường bệnh nhân có thể ngừng thở khi ở các tư thế này. Cơn giật kéo dài vài giây đến vài phút hoặc hơn. Trong cơn giật, rất dễ bị co thắt thanh quản, co cứng cơ hô hấp dẫn đến giảm thông khí, thiếu oxy, tím tái, ngừng thở, và có thể tử vong.
- Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong trường hợp nặng với các biểu hiện: da xanh tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn, tăng hoặc hạ huyết áp, huyết áp dao động, loạn nhịp tim có thể ngừng tim.
Thời kỳ lui bệnh
Bắt đầu khi các cơn co giật toàn thân hay co thắt hầu họng/thanh quản bắt đầu thưa dần, tình trạng co cứng toàn thân còn kéo dài nhưng mức độ giảm dần; miệng từ từ há rộng; phản xạ nuốt dần trở lại. Thời kỳ này kéo dài vài tuần đến hàng tháng tuỳ theo mức độ nặng của bệnh.