Tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới

Sức khỏe 26/03/2020 21:12

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới là một trong năm bệnh phổ biến hàng đầu ở phái nữ. Vậy triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị bệnh này là gì?

Nội dung bài viết

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới là một trong căn bệnh nguy hiểm dễ mắc phải nhất ở phái nữ. Đặc biệt, nếu ở vùng khí hậu nóng ẩm thì tỷ lệ mắc phải sẽ cao hơn mức bình thường. Vậy nguyên nhân nào gây ra bệnh này và cách chữa trị mang lại hiệu quả tốt nhất? Cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết sau.

Nhiem trung duong tiet nieu o nu 1
Tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới - Ảnh minh họa: Internet

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn gây nên. Ngoài ra, một số ít có thể do nấm hoặc hiếm gặp hơn là do virus. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Phần lớn tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra ở đường tiết niệu dưới bao gồm niệu đạo và bàng quan. 

Tỷ lệ nhiễm trùng ở đường tiết niệu trên (niệu quản và thận) nhỏ hơn, nhưng lại có mức độ nghiêm trọng hơn và đòi hỏi điều trị lâu dài hơn.

Nhiem trung duong tiet nieu o nu 2
Viêm đường tiết niệu trên và viêm đường tiết niệu dưới - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu trên và nhiễm trùng đường tiết niệu dưới được phân biệt như sau:

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Tiểu nhiều lần, tiểu rắt.
  • Trong nước tiểu có lẫn máu.
  • Nước tiểu đục.
  • Nước tiểu có màu đậm như co-co-la hoặc trà .
  • Nước tiểu có mùi khai đậm.
  • Nữ giới có biểu hiện đau vùng chậu.
  • Nam giới có biểu hiện đau trực tràng.
Nhiem trung duong tiet nieu o nu 3
Triệu chứng đau vùng chậu khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới - Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu trên

  • Đau và căng cơ ở phần sau vai và hai mạng sườn.
  • Có cảm giác ớn lạnh và sốt.
  • Cảm giác buồn nôn.
  • Nôn sau khi ăn thức ăn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu trên ảnh hưởng đến thận và có khả năng đe dọa đến tính mạng nếu vi khuẩn lây lan đi từ thận vào máu, gây ra tình trạng sốc và tử vong.

Chú ý: Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu trên, dấu hiệu ở nam và nữ là như nhau. Đối với nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, phụ nữ thường có cảm giác đau vùng chậu.

Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới

Nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn, virus hoặc các loại nấm gây nên. Tuy nhiên, những tác nhân dưới đây mới là điều kiện tiên quyết để các loại sinh vật này có thể tấn công đường tiết niệu:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ càng cao. Bởi lúc này, hệ miễn dịch đã có dấu hiệu suy yếu.
Nhiem trung duong tiet nieu o nu 4
Tuổi càng cao thì nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ càng cao - Ảnh minh họa: Internet
  • Giảm khả năng vận động (sau phẫu thuật hoặc nằm quá lâu trên giường mà không đi lại được).
  • Sỏi thận.
  • Có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Tắc đường tiết niệu ví dụ như bị sỏi thận hoặc một số dạng ung thư.
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang.
  • Mắc bệnh tiểu đường và khống chế lượng đường máu không tốt.
  • Đang mang thai.
  • Cấu trúc tiết niệu bất thường bẩm sinh.
  • Suy yếu hệ miễn dịch.

Những điều kiện xúc tác dẫn đến bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới bao gồm:

  • Niệu đạo ngắn: Niệu đạo ở phụ nữ rất gần với âm đạo và hậu môn. Vi khuẩn có thể xuất hiện ở quanh âm đạo, hậu môn, từ đó dễ dẫn đến nhiễm trùng niệu đạo hoặc đường tiết niệu.
  • Giảm nồng độ estrogen: Ở tuổi mãn kinh, mức estrogen thay đổi làm mất sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo, khiến âm đạo bị viêm, từ đó dễ lây lan sang niệu đạo.
  • Quan hệ tình dục: Áp lực lên đường tiết niệu phụ nữ trong quan hệ tình dục có thể khiến cho vi khuẩn di chuyển từ xung quanh hậu môn vào bàng quang. Mặc dù cơ thể có khả năng loại bỏ các vi khuẩn này trong 24 giờ, tuy nhiên một số vi khuẩn có đặc tính bám dính vào bàng quang có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiem trung duong tiet nieu o nu 5
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây nên - Ảnh minh họa: Internet

Cách chữa nhiễm trùng đường tiết niệu

Điều trị bằng các phác đồ do bác sĩ chuyên khoa chỉ định

Phác đồ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định sinh vật nào gây bệnh. Phần lớn các trường hợp là do vi khuẩn thì sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu nguyên nhân là do nấm hoặc virus thì sẽ được điều trị bằng thuốc chống nấm hoặc thuốc chống siêu vi (kháng virus).

Đối với nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, thường bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh dạng uống. Nhưng nếu nhiễm trùng đường tiết niệu trên thì đòi hỏi phải dùng kháng sinh tiêm qua tĩnh mạch.

Hỗ trợ điều trị tại nhà

Không có biện pháp nào có thể tự chữa khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà. Bạn chỉ có thể áp dụng chế độ ăn uống khoa học để giúp thuốc hoạt động tốt hơn. Các loại nước ép hoa quả như cam, cà rốt, dâu tây hoặc chanh giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, nếu bạn có thể mua được quả nam việt quất thì quá tốt. Nam việt quất có một loại chất giúp ngăn cản một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng bám vào niêm mạc bàng quang, từ đó giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhanh hơn.

Cách ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới

  • Uống 6 đến 8 cốc nước một ngày.
  • Không nhịn tiểu quá lâu.
  • Giữ vệ sinh quanh vùng âm đạo, hậu môn và đường tiết niệu.
  • Đi khám ngay nếu có dấu hiệu tiểu rắt hoặc tiểu khó.
Nhiem trung duong tiet nieu o nu 6
Việc uống khoảng 6-8 cốc nước mỗi ngày có thể giúp ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu - Ảnh minh họa: Internet

Như vậy có thể thấy rằng, nguy cơ và tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới cao hơn ở nam giới rất nhiều. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quát nhất về bệnh này để từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Chuyên mục sức khỏe: Cách chữa thoái hoá đốt sống cổ hiệu quả

Thoái hoá đốt sống cổ là căn bệnh khá phổ biến và thường gặp ở nhiều người. Vậy cách chữa thoái hoá đốt sống cổ như thế nào cho hiệu quả, bạn đã biết chưa? 

TIN MỚI NHẤT