Sau sinh mẹ sẽ phải trải qua một giai đoạn có sản dịch, đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện sản dịch có mùi hôi bất thường thì đó lại là dấu hiệu cần được chú ý. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết dưới đây nhé!
- Cách làm ngan cháy tỏi thơm ngon hấp dẫn bằng nồi chiên không dầu tại nhà!
- Cách làm cà tím chiên trứng bùi ngon, hấp dẫn và siêu hao cơm tại nhà!
Sản dịch sau sinh như thế nào là bình thường?
Sản dịch thường xuất hiện từ 2-3 ngày sau sinh. Thời gian phụ nữ có sản dịch trung bình là 20 ngày, có người dài hơn từ 30-45 ngày và các chị em phụ nữ dù sinh thường hay sinh mổ thì đều xuất hiện sản dịch.
Hiện tượng này là do sau khi sinh con, những niêm mạc ở tử cung của sản phụ dần dần bong ra, kết hợp với những cục máu đông từ vết thương chỗ nhau thai bám vào, cùng với những chất nhầy ở tử cung thoát ra tạo thành sản dịch. Đây cũng là cơ chế tự làm sạch tử cung một cách tự nhiên sau quá trình mang thai và sinh nở.
Sản dịch có sự thay đổi về tình trạng, màu sắc theo từng giai đoạn, cụ thể như sau:
- Giai đoạn đầu: Trong 2-4 ngày đầu sau sinh, sản dịch có màu đỏ đậm lẫn những cục máu đông, do niêm mạc tử cung bong ra và được loại bỏ dần.
- Giai đoạn tiếp theo: 4-10 ngày sau đó thì sản dịch lỏng hơn, màu nhạt dần từ đỏ đậm sang hồng.
- Giai đoạn 2 tuần sau sinh: Sản dịch chuyển từ hồng sang màu kem nhạt hoặc hơi vàng.
Lượng sản dịch sau sinh nhiều hay ít, kéo dài nhanh hay lâu tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Nhiều nhất là 45 ngày sau sinh là sản dịch sẽ hoàn toàn hết và vùng kín của sản phụ sẽ hoàn toàn sạch sẽ.
Vì sao sản dịch có mùi hôi?
Sản dịch cũng giống như kinh nguyệt, thường có mùi tanh và nồng của máu. Theo thời gian thì sản dịch loãng dần, theo đó mùi tanh nồng cũng giảm dần. Nếu các bạn thấy sản dịch chỉ có mùi tương tự máu kinh nguyệt và giảm dần thì không cần quá lo ngại, đó là hiện tượng bình thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp sản dịch có mùi hôi, đồng thời bạn cảm thấy vùng kín của mình có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ngáy thì đó là dấu hiệu bất thường cần phải lưu ý. Vì đó là dấu hiệu chứng tỏ âm đạo của bạn đã bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Trường hợp sản dịch có mùi hôi, có ra kèm dịch màu xanh, kèm theo đó là ngứa rát thì đó là dấu hiệu âm đạo bị nhiễm nấm, kèm theo là bội nhiễm.
Ngoài ra, còn một số dấu hiệu sản dịch bất thường khác, đó là:
- Sản dịch có mùi hôi, lượng dịch nhiều bất thường đến nỗi phải thay băng vệ sinh trong 1 giờ.
- Sản dịch có bọt, lẫn máu, nhiều cục máu đông trong âm đạo.
- Cảm thấy hoa mắt, chóng mặt và tim đập nhanh.
- Sau sinh 4 ngày mà sản dịch vẫn đỏ tươi, đỏ đậm với lượng nhiều và kèm theo sốt cao trên 38 độ.
- Bụng dưới căng tức, đau âm ỉ kết hợp với sản dịch chỉ ra chút ít một, kéo dài đây là tình trạng bế sản dịch, sẽ dễ gây ra nhiễm trùng nội mạc tử cung. Nếu không phát hiện sớm có thể gây viêm nhiễm toàn bộ vùng tử cung, thậm chí gây nhiễm trùng máu cho sản phụ.
Những dấu hiệu sản dịch bất thường và cơ thể của sản phụ đang gặp phải những mối nguy hiểm. Có thể là do tử cung sau sinh không thể tự co được, bị sót nhau thai, âm đạo bị rách, viêm đạo bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm…và một vài lý do khác. Tuy nhiên, với bất kỳ lý do gì thì mẹ sau sinh cũng không nên chủ quan và cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám kịp thời.
Sản dịch có mùi hôi phải làm sao?
Khi xuất hiện tình trạng sản dịch có mùi hôi trước hết bạn cần tới cơ sở y tế để được thăm khám. Bác sĩ sẽ thăm khám và cho làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình hình bạn đang gặp phải là gì.
Khi có kết luận là bạn bị viêm do vi khuẩn, vi nấm hay do nguyên nhân nào khác thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi, thuốc rửa, thuốc uống,…theo đúng tình trạng bệnh. Trường hợp sản phụ bị bế sản dịch khiến sản dịch không thoát ra được thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giúp co bóp tử cung, đẩy sản dịch ra ngoài.
Thêm vào đó, khi bạn bị sản dịch sau sinh có mùi hôi thì việc cần thiết phải làm là vệ sinh vùng kín đúng cách và nhẹ nhàng, tránh lạm dụng những chất tẩy rửa mạnh cũng như vệ sinh thái quá, thụt rửa sâu làm tổn thương hoặc gây viêm nhiễm nặng hơn cho âm đạo.
Đồng thời chú ý đến việc thay băng vệ sinh thường xuyên, trung bình cứ mỗi 3-4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần, để quá lâu sẽ khiến tăng nguy cơ viêm nhiễm cho vùng kín. Chú ý sử dụng quần lót luôn được giặt sạch sẽ, khô thoáng, phơi nắng hoặc được sấy thật khô.
Những mẹ có vết khâu tầng sinh môn cần chú ý hơn một chút trong việc vệ sinh vết thương, tránh bị nhiễm trùng, mưng mủ. Ngay sau sinh mẹ nên thường xuyên rửa, vệ sinh khu vực vùng kín, không cần phải kiêng cữ.
Cách vệ sinh vùng kín sau sinh phòng ngừa viêm nhiễm
Để phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm gây ra tình trạng sản dịch có mùi hôi thì các sản phụ cần đặc biệt chú ý tới việc vệ sinh vùng kín sau sinh của mình. Việc vệ sinh đúng cách không chỉ giúp cô bé mau lành vết thương, nhanh hồi phục mà còn là biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất giúp âm đạo luôn khô thoáng, sạch sẽ, hạn chế viêm nhiễm, nấm ngứa.
Bạn có thể sử dụng các dung dịch vệ sinh chuyên dụng, an toàn cho vùng kín. Mỗi ngày dùng để rửa từ 1-2 lần để cho vùng kín sạch sẽ, khô thoáng. Tuy nhiên, tuyệt đối không thụt rửa sâu vào trong âm đạo, không dùng các loại khăn ướt, giấy ướt có mùi thơm để lau rửa vùng kín, tốt nhất là nên dùng vải xô mềm sạch, được giặt với nước ấm và phơi nắng khô ráo trước khi sử dụng.
Ngoài ra, bạn còn có thể áp dụng các biện pháp xông hơ sau sinh. Sau khoảng 3 ngày là bạn có thể sử dụng biện pháp xông hơ từ những loại cây lá thiên nhiên có tác dụng làm sạch vi khuẩn, giúp vết thương mau lành và giúp vùng kín mau phục hồi hơn sau sinh.
Các loại lá có thể xông hơ dành cho bà đẻ như trầu không, kinh giới, tía tô, trà xanh… hoặc thuốc Nam, thuốc Bắc. Tuy nhiên, những nguyên liệu cần đảm bảo sạch và quá trình xông hơ cũng cần thận trọng. Không ở quá gần hơi nước nóng, không xông hơ quá 15 phút, không ngồi trực tiếp trên nồi nước nóng và quá gần dễ gây bỏng, nên cách xa nồi nước xông cần ít nhất 30cm. Mỗi lần xông hơ cần ở nơi kín gió, tránh gió lùa, mặc quần áo rộng rãi. Xông hơi được thực hiện từ 1-2 lần mỗi tuần, không nên quá lạm dụng.
Một vài lưu ý để hạn chế tình trạng bế sản dịch thì mẹ sau sinh cũng không nên nằm quá nhiều. Nằm nhiều khiến tử cung không co lại và đẩy sản dịch ra ngoài được. Mẹ nên đi lại vận động nhẹ nhàng để đẩy nhanh quá trình đẩy sản dịch từ tử cung ra ngoài. Hoặc nên nằm sấp 20-30 phút mỗi ngày để sản dịch thoát ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, sản phụ cũng cần được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý.
Trên đây là những thông tin về tình trạng sản dịch có mùi hôi và phương pháp xử lý khi gặp phải tình trạng này. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các chị em sản phụ sẽ nắm được những kiến thức cần thiết và khi gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở cơ thể thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh cho tình trạng tiến triển nặng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Chúc các chị em sớm khỏe mạnh lại nhé!