Dưới đây là kiến thức về bệnh đau thần kinh liên sườn, triệu chứng, hậu quả và cách chữa trị.
- Cách chữa bệnh thoái hóa cột sống hiệu quả nhanh chóng
- 4 điều cấm kỵ khi ăn cá tránh mang bệnh vào người
Bệnh đau dây thần kinh liên sườn hay bệnh đau thần kinh liên sườn là bệnh thường gặp ở người trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh liên sườn và hậu quả của nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tuổi thọ đồng thời gây ra nhiều khó khăn phiền toái cho người bệnh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bệnh đau thần kinh liên sườn là gì và cách chữa trị nhé!
Đau thần kinh liên sườn là gì ?
Đau thần kinh liên sườn là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo bờ sườn, có thể đau dây thần kinh liên sườn trái hoặc đau dây thần kinh liên sườn phải, thậm chí người bệnh bị đau cả hai bên sườn. Bệnh thường gặp ở những người trưởng thành, nhất là người cao tuổi.
Triệu chứng đau thần kinh liên sườn
Triệu chứng đau dây liên sườn thường gặp là người bệnh thường bị đau âm ỉ, có trường hợp bị đau cả ngày lẫn đêm, sườn người bệnh càng đau hơn khi hít thở sâu, xoay người, vặn mình, ho,… Ngoài ra dấu hiệu đau thần kinh liên sườn còn có sốt buổi chiều, sụt cân, mệt mỏi… Bệnh thường xuyên tái phát khiến người bệnh khó chịu.
Nguyên nhân đau thần kinh liên sườn
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh liên sườn, có thể kể đến như:
Lao cột sống, ung thư cột sống: Thường xuất hiện ở những người tuổi trung niên và người già, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Người bệnh thường đau nhói cả sườn trái và sườn phải, ảnh hưởng đến ngực và bụng bệnh nhân nên dễ bị chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc dạ dày. Khi ấn cột sống sẽ có điểm rất đau. Có thể thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn bệnh trở nặng...
Thoái hóa cột sống: Thường xuất hiện ở người cao tuổi, tính chất khu trú thường không rõ ràng. Người bệnh đau ê ẩm, không cấp tính, thường kèm theo các cơn đau âm ỉ ở cột sống ngực.
Bệnh lý về tủy sống: Đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Người bệnh thường đau một bên. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng.
Chấn thương cột sống: Do có yếu tố chấn thương. Đau dây thần kinh liên sườn ở các bệnh lý cột sống, tủy sống thường là các triệu chứng sớm nên nếu được phát hiện sẽ có giá trị chẩn đoán sớm các bệnh lý trên. Nếu ở giai đoạn muộn thì đau dây thần kinh liên sườn chỉ là triệu chứng phụ.
Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm khuẩn: Hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do Zona qua 2 giai đoạn biểu hiện: giai đoạn cấp thường bắt đầu bằng việc người bệnh đau rát một mảng sườn, sau vài ngày thì da bị đỏ, xuất hiện các mụn nước rồi lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và rát. Sau khoảng một tuần bệnh có thể chuyển sang giai đoạn di chứng. Bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương, cơn đau có khi kéo dài gần đến một tháng.
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Thường là do trời lạnh hoặc vận động sai tư thế. Bệnh nhân bị đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, người bệnh thường đau cả ngày đêm, đau âm ỉ và đau cả khi hít thở sâu, ho, đổi tư thế,... Người bệnh cần chú ý tránh nhầm lẫn với bệnh về phổi. Khi ấn vào vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt người bệnh thấy đau. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Các xét nghiệm cho kết quả bình thường.
Biến chứng từ đau thần kinh liên sườn
Đau thần kinh liên sườn là căn bệnh nguy hiểm, bởi nếu người bệnh không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân, gây mệt mỏi, stress, ngủ không ngon, mất tập trung, khiến năng suất công việc giảm dẫn đến suy nhược thần kinh.
Đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không?
Đau thần kinh liên sườn là căn bệnh không thể tự khỏi mà cần có giải pháp chữa trị đúng cách.
Điều trị và phòng bệnh
Để điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn chúng ta cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu không xác định được nguyên nhân thì cần giải quyết các triệu chứng, giảm đau bằng một số thuốc thông thường như paracetamol, feldene, diclofenac... Bên cạnh đó cần dùng một số thuốc đặc trị đau thần kinh. Cách tốt nhất là người bệnh nên khám bác sĩ để có liệu trình điều trị phù hợp
Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống điều độ, tránh thức khuya, làm việc nặng, mang vác quá sức hay vận động sai tư thế. Vào mùa lạnh cần giữ ấm, không nên ngủ trong phòng bị gió lùa, khi tiếp xúc với bệnh nhân lao cần có biện pháp tránh lây nhiễm.
>>> Xem thêm:
- 12 cách giảm đau thần kinh tọa hiệu quả, áp dụng tại nhà
- Bệnh thần kinh tọa, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả
Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã có những thông tin cần thiết về bệnh đau thần kinh liên sườn cũng như biết cách bảo vệ bản thân tránh khỏi căn bệnh này.