Một nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu hoạt động thể chất giảm sau khi điều trị ung thư thì nguy cơ phát triển bệnh tim mạch sẽ tăng tới 43%.
- Chuyên gia chỉ cách chăm sóc sức khỏe tim mạch, nhất định phải thuộc nằm lòng 6 nguyên tắc này: Chống lại bệnh tật, có tiềm năng sống thọ
- 5 thói quen giúp người Nhật chống lại bệnh tim mạch, ai cũng có thể học theo
Theo Thống kê đăng ký ung thư quốc gia Hàn Quốc, cứ 10 bệnh nhân ung thư thì có 7 người (71,5%) sống sót được hơn 5 năm. Nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở những người này là bệnh tim mạch, vì vậy các chiến lược phòng ngừa bệnh tim mạch là rất quan trọng.
Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Kim Hyeon-chang và Lee Ho-gyu từ Khoa Y tế Dự phòng tại Đại học Y Yonsei dẫn đầu đã điều tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người sống sót sau ung thư dựa trên những thay đổi trong hoạt động thể chất trước và sau khi chẩn đoán ung thư.
Đối tượng của nghiên cứu là 150.433 người trưởng thành sống sót sau 3 năm được chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ năm 2011 đến năm 2013, những người đã trải qua kiểm tra sức khỏe quốc gia trong vòng 2 năm trước và 3 năm sau khi chẩn đoán.
Theo đánh giá mức độ hoạt động trao đổi chất (MET) - một chỉ số về tỷ lệ giữa tốc độ trao đổi chất trong công việc và tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi - các đối tượng được chia thành nhóm không hoạt động (0), nhóm hoạt động dưới mức khuyến nghị (1~599) và nhóm hoạt động đáp ứng các khuyến nghị (trên 600) để xem xét nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Kết quả là, bất kể mức độ hoạt động thể chất trước khi chẩn đoán ung thư là bao nhiêu, lượng hoạt động thể chất sau khi chẩn đoán càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng thấp. Ngay cả khi không tham gia hoạt động thể chất trước khi chẩn đoán, nguy cơ vẫn giảm 20% nếu thực hiện ở mức được khuyến nghị sau khi chẩn đoán. Ngược lại, nếu duy trì hoạt động thể chất trước khi chẩn đoán ung thư nhưng ngừng hoạt động sau khi chẩn đoán, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng tới 43%.
Kết quả cho thấy khi hoạt động thể chất tăng lên sau khi chẩn đoán ung thư so với trước khi chẩn đoán ung thư, nguy cơ sẽ giảm đi và khi hoạt động thể chất giảm thì nguy cơ cũng tăng lên. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên European Heart Journal (EHJ), tạp chí Tim mạch Châu Âu.
Hướng dẫn năm 2022 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị những người sống sau ung thư nên tham gia ít nhất 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải hoặc ít nhất 75 phút hoạt động thể chất với cường độ mạnh mỗi tuần.