Đến một cơ sở y tế để rút chỉ vết khâu nhưng chỉ 15 phút sau khi được nhân viên y tế tiêm thuốc tê, chị T.T.H (40 tuổi, ở Phú Thọ) nổi mẩn đỏ toàn thân, người run lẩy bẩy, 2 bàn tay tím tái…
- Cảnh giác với 11 thực phẩm phổ biến có thể gây ngộ độc
- Để tránh ngộ độc dịp Tết, các gia đình bảo quản thực phẩm đừng mắc phải sai lầm lớn này
Trưa ngày 23-3, bệnh nhân T.T.H được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, khó thở, run người, ban đỏ khắp cơ thể.
Theo lời kể từ người nhà bệnh nhân, chị H. bị ngã xe máy cách đây 12 ngày, đã được đưa đến một cơ sở y tế trên địa bàn để xử trí khâu vết thương. Đến sáng ngày 23-3, bệnh nhân đi rút chỉ vết khâu.
Tại cơ sở, nhân viên y tế cho chị H. dùng 1 ống novocain (thuốc gây tê) để thực hiện thủ thuật. Thế nhưng sau khi dùng thuốc gây tê khoảng 15 phút thì bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, run người, tím 2 bàn tay nên phải chuyển đến bệnh viện để cấp cứu.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Lidocain và nhanh chóng xử trí giải độc, cấp cứu cho bệnh nhân theo phác đồ.
Theo các bác sĩ, hiện nay thuốc tê lidocain là thuốc được sử dụng rộng rãi đến tận các phòng khám, trạm y tế, thậm chí người dân bình thường cũng có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sỹ. Điều đáng cảnh báo là rất nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc này.
Điều nguy hiểm nữa là các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê này thường được quy cho “sốc phản vệ” mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân do ngộ độc thuốc, dẫn tới phương pháp xử trí cấp cứu ban đầu sai lầm. Vì vậy, với các bác sĩ cần chú ý, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng.