Loại lá được dùng để nuôi tằm nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Sức khỏe 06/09/2022 12:54

Theo Đông y, lá dâu tằm có nhiều tác dụng với sức khỏe.

Loại lá được dùng để nuôi tằm nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Theo lương y Nguyễn Đình Cự (Hội Đông y tỉnh Thái Bình), quả dâu tằm có vị ngọt, chua, tính mát, chứa nhiều vitamin, trong đó 84,71% là nước, 9,19% đường, 1,80% acid, 0,36% protid. Ngoài ra, quả dâu tằm còn chứa tanin, vitamin C, caroten…, có tác dụng bổ gan, thận, huyết, trị tiểu đường, lao hạch.

Ngoài ra, lá dâu tằm cũng là vị thuốc quý với nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau, trong đó có công dụng chữa đau bụng, buồn nôn, đi ngoài.

"Còn nhớ, hồi mẹ tôi còn sống, bà bị đau bụng quằn quại, muốn nôn ra không nôn được, muốn đi ngoài không đi ra được. Sau khi xem kỹ, loại trừ đau bụng ngoại khoa..., tôi nhờ người nhà đi hái lá dâu tằm về rửa thật sạch, giã nát thêm nước sôi để nguội khoảng 100ml vắt lọc lấy nước cho cụ uống", lương y Nguyễn Đình Cự chia sẻ.

"Còn muối rang chia làm 2 gói đựng trong khăn sạch chườm vùng rốn ở phía trước và xoa dọc sống lưng ở phía sau. Sau khi uống được 1/2 bát nước lá dâu và chườm muối rang, mẹ tôi đã hết đau bụng".

Loại lá được dùng để nuôi tằm nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe - Ảnh 2

Lá dâu tằm có tác dụng chữa chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn. Ảnh minh họa

Ông Cự cho biết ttrong lá dâu tằm chứa chất caroten, tanin, rất ít tinh dầu, vitamin C, cholin, adenin, trigonellin... Lá dâu còn chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa như quercetin. Hợp chất alkaloid chiếm hàm lượng cao nhất trong lá dâu tằm là deoxynojirimycin (DNJ). Đây là hợp chất quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường.

Với những hợp chất như trên, lá dâu tằm còn được dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ, viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng…

Một số bài thuốc phổ biến sử dụng lá dâu tằm:

1. Lá dâu tằm chữa huyết áp cao

Lá dâu tằm và hạt ích mẫu nấu nước ngâm chân buổi tối 30-40 phút trước khi đi ngủ.

2. Chữa ra mồ hôi trộm ở trẻ em, mồ hôi tay ở người lớn

Lá dâu non nấu canh với tôm, tép hoặc dùng lá dâu bánh tẻ 12g, cúc hoa, liên kiều, hạnh nhân đều 12g, bạc hà, cam thảo đều 4g, cát cánh 8g, lô căn 20g, sắc uống.

 3. Chữa đau đầu, chóng mặt

Lá dâu tằm 9g, cúc hoa 9g, câu kỷ tử 9g, quyết minh tử 6g, pha nước sôi uống thay trà. Dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt.

4. Làm đẹp

Lá dâu và mè đen đồng lượng trộn đều (9 lần đồ, 9 lần phơi), thục địa 1kg, liên nhục 200g, tất cả tán nhỏ, trộn với mật ong hoàn viên to bằng hạt ngô, ngày uống 5g, chia làm 2 lần sáng - tối. Bài thuốc giúp da tươi sáng, mịn màng, uống lâu dài giúp gân cốt rắn chắc, khí huyết dồi dào, tăng thính lực. Bài thuốc này thích hợp cho những người sạm da, nám má, cơ thể suy nhược, gân cốt suy yếu, thiếu máu, can thận âm hư, ù tai…

Những ai dễ mắc cúm, cần tiêm phòng cúm ngay lúc này?

Bất cứ ai cũng nên đi tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo có những người cần nên tiêm ngay lúc này càng sớm càng tốt.

TIN MỚI NHẤT