Kiến thức cần biết: Người nhiễm COVID-19 cần ăn nhiều thực phẩm protein hơn, vì sao?

Sức khỏe 26/01/2022 09:55

Để cơ thể phục hồi nhanh sau khi nhiễm COVID-19, mỗi người cần có chế độ ăn cân bằng, hợp lý, đa dạng các nguồn thực phẩm. Chú ý lựa chọn nguồn bổ sung protein thích hợp, kết hợp protein thực vật và động vật để đảm bảo lượng protein cung cấp cho cơ thể hàng ngày.

Protein là gì?

Kiến thức cần biết: Người nhiễm COVID-19 cần ăn nhiều thực phẩm protein hơn, vì sao? - Ảnh 1

Protein hay còn gọi là chất đạm, là chất dinh dưỡng (dưỡng chất) thiết yếu của cơ thể con người cũng như cơ thể các động vật nói chung. Protein là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cấu tạo nên các bộ phận của cơ thể.

Chúng có mặt trong thành phần nhân và chất nguyên sinh của các tế bào, chúng còn tham gia vào thành phần cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết.

Protein động vật

Các loại thịt, hải sản, trứng, sữa và cá là nguồn chất đạm dồi dào nhất, chiếm từ 15 – 40% trọng lượng thức ăn.

Protein thực vật

Có trong các loại đậu và hạt như: đậu xanh, đậu phụ, đậu nành, vừng, hạt hướng dương, rau xanh…

Kiến thức cần biết: Người nhiễm COVID-19 cần ăn nhiều thực phẩm protein hơn, vì sao? - Ảnh 2

Vai trò của Protein đối với cơ thể

Cải thiện sức khỏe cơ bắp

Đây là chức năng quen thuộc nhất mà protein luôn được nhắc tới. Không phải vô cớ mà các huấn luyện viên lại khuyến khích bạn bổ sung protein cho cơ thể nếu muốn một vóc dáng cơ bắp.

Khi tìm hiểu về protein, các nhà khoa học đánh giá protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các khối cơ trong cơ thể, chúng có mặt trong các mô cơ dưới dạng nhiều vi chất. Và đặc biệt hơn nữa khi sự phát triển của cơ phụ thuộc vào sự đầy đủ của protein trong cơ thể.

Cung cấp năng lượng cho cơ thể

Protein cấu thành nên enzyme, những enzyme này hoạt động như một chất xúc tác sinh học với nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể.

Vận chuyển và lưu trữ các chất trong cơ thể

Protein có chức năng vận chuyển và lưu trữ các chất khác nhau trên màng tế bào. Điều quan trọng mà protein mang lại chính là sự lưu thông trơn tru của máu và nuôi dưỡng các tế bào.

Protein kích thích sự thèm ăn

Giữ vai trò chính tiếp nhận các chế độ ăn khác nhau. Thiếu protein gây ra các rối loạn quan trọng trong cơ thể như ngừng lớn hoặc chậm phát triển, mỡ hóa gan, rối loạn hoạt động nhiều tuyến nội tiết (giáp trạng, sinh dục), thay đổi thành phần protein máu, giảm khả năng miễn dịch sinh học của cơ thể và tăng tính cảm thụ của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn.

Kiến thức cần biết: Người nhiễm COVID-19 cần ăn nhiều thực phẩm protein hơn, vì sao? - Ảnh 3

Cơ thể cần bao nhiêu protein mỗi ngày?

Trong cơ thể con người, gan tạo ra được 80% amino acid cần thiết từ chất đạm ta ăn vào còn 20% kia phải do thực phẩm cung cấp. Nhu cầu chất đạm thay đổi tùy theo tuổi tác, giai đoạn tăng trưởng, và tình trạng tốt xấu của cơ thể.

Mỗi ngày, người lớn cần được cung cấp từ 1 – 1,5g chất đạm/kg cân nặng. Trẻ em cần khoảng 2g chất đạm/kg cân nặng. Trẻ sơ sinh đang tuổi tăng trưởng nên nhu cầu chất đạm cho mỗi ngày nhiều hơn ở người già. Phụ nữ mang thai, cho con bú, khi bị bỏng nặng cần số lượng đạm chất cao hơn.

Một chế độ dinh dưỡng nặng về thịt và nhẹ về rau quả khiến thận phải làm việc nhiều hơn trong việc đào thải các cặn bã của chất đạm qua đường tiểu tiện. Đó là chất ammonia và urea. Vì thế ta thấy người có bệnh gan thận đều được hạn chế thịt. Ngoài ra trong thịt động vật, đặc biệt loại thịt đỏ nhiều máu còn có nhiều cholesterol và mỡ bão hòa là những nguy cơ gây ra bệnh tim mạch, mập phì.

Lưu ý: Khi nấu chín vừa phải thì thịt còn mềm và dễ tiêu vì hơi nóng làm rời rạc sự dính liền giữa amino acid. Nhưng khi nấu quá lâu thì amino acid lại quấn quyện với nhau nên khó tiêu hóa và cũng mất bớt 25% số lượng.

Chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, theo bác sĩ Kiều Ngân - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các nghiên cứu đã xác nhận rằng sự thiếu hụt protein có liên quan đến suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, chủ yếu là do tác động tiêu cực của nó lên cả số lượng các globulin miễn dịch chức năng và mô bạch huyết liên quan đến ruột (GALT). Ăn ít protein sẽ khiến cơ thể dễ bị virus tấn công.

Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh mạn tính khác, làm hạn chế việc tiêu thụ một lượng thức ăn nhất định cũng có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Để tránh điều đó, cần cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể trong thời gian mắc COVID-19.

Vì nó có liên quan trực tiếp đến khả năng miễn dịch, thiếu protein không chỉ có thể khiến một người dễ bị COVID-19 mà còn dẫn đến một số bệnh nhiễm virus khác. Để giữ an toàn cho bản thân trước sự tấn công của virus, cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu protein.

Ảnh minh họa: Internet

Chuyên gia y tế dự đoán 4 yếu tố dẫn đến nguy cơ nhiễm Covid-19 kéo dài

Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể phát sinh ngay cả khi đã xét nghiệm âm tính.

TIN MỚI NHẤT