Hơn 1.000 ca mắc Adenovirus, Hà Nội yêu cầu giám sát tình hình người nhiễm Adenovirus đến khám tại các cơ sở y tế

Sức khỏe 01/10/2022 12:40

Số ca nhiễm Adenovirus có xu hướng gia tăng, Hà Nội yêu cầu giám sát tình hình người nhiễm Adenovirus đến khám tại các cơ sở y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội mới có công văn về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do Adenovirus gửi Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, tình hình bệnh nhi mắc Adenovirus tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng nhanh từ tháng 8 đến nay. Tính từ ngày 1/1 đến 22/9/2022, đã có hơn 1.000 ca mắc trong đó có 3 ca tử vong đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).

Hơn 1.000 ca mắc Adenovirus, Hà Nội yêu cầu giám sát tình hình người nhiễm Adenovirus đến khám tại các cơ sở y tế - Ảnh 1

Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Adenovirus, phân bố ở 30/30 quận/huyện/thị xã. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp (trong đó có bệnh do Adenovirus).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do Adenovirus trên địa bàn thành phố, CDC Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân và tại các cơ sở y tế được phân cấp giám sát đóng trên địa bàn. Tập trung giám sát tại các khoa khám bệnh, khoa Nhi, khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện được phân cấp giám sát, đảm bảo tần suất tối thiểu 3 lần/tuần để thu thập thông tin về tình hình bệnh nhân Adenovirus đến khám và điều trị.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh do Adenovirus trong đó tập trung vào các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh như thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; rửa tay với xà phòng và nước sạch; che mũi miệng khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, virus Adeno thường lây truyền qua đường giọt bắn khi nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, Adenovirus cũng có thể gây bệnh gián tiếp, đó là khi người bệnh ho, virus bám vào bàn tay hoặc bám vào các bề mặt phẳng và người khác chạm vào sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. 

Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây cho trẻ. Nếu bản thân có các triệu chứng như: Ho, sổ mũi…, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách và cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nên cho trẻ tiêm vắc-xin “6 trong 1”, vắc-xin phế cầu và cúm để không bị lây nhiễm thêm bệnh.

Nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh được không?

Theo BS. Trương Hữu Khanh, hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus Adeno gây ra nhưng đa số người bệnh sẽ tự hết, cách điều trị cũng như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus.

TIN MỚI NHẤT