Theo các chuyên gia, khi sức khỏe người phụ nữ hồi phục, không mắc các di chứng nặng về tim mạch, tiết niệu... thì có thể mang thai mà không lo ảnh hưởng đến em bé.
- Người mắc Covid-19 ăn cam có tốt không?
- Đều đặn uống nước đậu đen rang gừng, sau 7 ngày cơ thể sẽ có 7 sự thay đổi lớn: Vừa thúc đẩy giảm cân, lại khỏe xương khớp, tốt cho người tiểu đường
Ít nhất 3 tháng hậu Covid-19 là thời gian "tốt nhất" để mang thai
PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên, nếu muốn mang thai, phụ nữ mắc Covid-19 nên để bệnh khỏi hoàn toàn, virus SARS-CoV-2 không còn trong cơ thể. Lý do bởi virus có thể ảnh hưởng tới các tế bào non, tế bào sinh sản.
Thông thường, sau thời gian khoảng 3 tháng, cơ thể sẽ sản sinh ra những tế bào mới, nang trứng mới. Thời điểm này, nếu mang thai sẽ an toàn cho sản phụ hơn. Như vậy, tốt nhất phụ nữ muốn mang thai nên chờ đợi ít nhất khoảng 3 tháng sau khỏi bệnh.
PGS Phạm Bá Nha khuyến cáo, phụ nữ muốn có thai hoặc có khả năng mang thai không nên sử dụng thuốc kháng virus để điều trị Covid-19 nếu không có ý kiến chỉ định của bác sĩ bởi có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh sản và em bé. Trường hợp đã “lỡ” uống thuốc, nên chờ đợi khoảng 3 tháng kể từ sau liều cuối cùng. Thời gian này, các tế bào, nang trứng mới đã được sinh ra, an toàn hơn khi mang thai.
Tuy nhiên, Trưởng khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, phụ nữ trẻ khỏe mạnh, không bệnh nền đặc biệt, không có chỉ định của bác sĩ thì không nên sử dụng thuốc kháng virus.
Bác sĩ Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm điều trị thai phụ mắc Covid-19 - Cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khi sức khỏe người phụ nữ hồi phục, không mắc các di chứng nặng về tim mạch, tiết niệu... thì có thể mang thai mà không lo ảnh hưởng đến em bé. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, giữ tinh thần thoải mái, không nên lo lắng thái quá.
F0 khỏi bệnh có dấu hiệu hậu Covid-19 thì nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị dứt điểm trước khi mang thai.
Trường hợp đang mang thai không may mắc Covid-19 hoặc tái nhiễm, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng. Các nghiên cứu chỉ ra virus không ảnh hưởng đến cấu trúc thai nhi nhưng làm tăng tỷ lệ tiền sản giật, đẻ non, thai chậm phát triển, thai lưu.
Do đó, khi khỏi bệnh, mẹ bầu nên quay lại bệnh viện phụ sản kiểm tra bởi bản chất Covid-19 ảnh hưởng tim mạch, hô hấp, tiết niệu, nội tiết... có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ.
Bác sĩ Định nhấn mạnh, khi mắc bệnh, thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chỉ định thuốc, không lạm dụng thuốc. Đo SpO2 thường xuyên, tối thiểu 4 lần một ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Nếu chỉ số SpO2 từ 97% trở lên là yên tâm, dưới 96% thì chú ý, nằm ngủ nghỉ ngơi 30 phút sau đo lại.
Hậu Covid-19 bao lâu có thể điều trị vô sinh, hiếm muộn?
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cũng bày tỏ lo lắng, băn khoăn về vấn về nhiễm Covid-19 có ảnh hưởng tới quá trình thăm khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn hay không và sau khỏi bệnh bao lâu, có thể điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Trả lời về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện thông tin, theo các nghiên cứu đã công bố gần đây trên thế giới từ khi dịch xuất hiện tới nay, chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy bệnh Covid-19 hoặc vắc xin ngừa Covid-19 ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người.
“Các dữ liệu hiện tại cho thấy, nam giới mắc Covid -19 trong ngắn hạn chưa ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Với nữ giới, các nghiên cứu chỉ ra rằng không thấy tăng tỷ lệ dị tật thai ở những bà mẹ mắc Covid-19 thời kỳ mang thai. Khả năng mẹ lây SARS-CoV-2 cho con trong sinh đẻ hoặc trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng được báo cáo là rất khó xảy ra”, bác sĩ Nhã chia sẻ.
Theo bác sĩ Nhã, nếu đảm bảo các yếu tố an toàn dịch tễ, việc thăm khám, điều trị sớm sẽ giúp tăng cơ hội có con hơn ở hầu hết trường hợp.
“Tuổi tác vốn là “kẻ thù” của các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuổi ngày một cao thì cơ hội có thai ngày càng giảm”, bác sĩ Nhã nhấn mạnh.
Do đó, để đảm bảo an toàn, các cặp vợ chồng trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản (kích trứng hoặc chuyển phôi) khoảng 1 tháng nên tiêm đủ ít nhất 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Việc này giúp bảo vệ tối ưu, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong quá trình thăm khám, điều trị. Trong thời gian 1 tháng, này cơ thể bạn có thể sản sinh đủ lượng kháng thể phòng chống Covid-19 và tránh những biến chứng của việc tiêm vắc xin trùng với chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản.
Nếu đã tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19 (hoặc chưa đủ) nhưng không may trở thành F0, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe ít nhất 1 tháng sau khỏi bệnh. Sau đó, ở ngày thứ 2 kỳ kinh nguyệt của người vợ, vợ chồng có thể đi khám để được bác sĩ tư vấn, chỉ định cụ thể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn quy trình theo dõi, tiêm kích trứng để bắt đầu chu kỳ hỗ trợ sinh sản bằng các biện pháp như IVF hay IUI.
Nếu đã có phôi lưu trữ tại bệnh viện, người mắc nên nghỉ ngơi, bồi dưỡng ít nhất 2 tháng sau khỏi bệnh, tái khám vào ngày thứ 2 khi người vợ thấy kinh nguyệt tháng tiếp theo để được theo dõi niêm mạc, chuyển phôi.
“Dù thăm khám, điều trị ở thời điểm nào, việc quan trọng nhất các cặp vợ chồng cần lưu ý là tuân thủ hướng dẫn an toàn của Bộ Y tế và bác sĩ điều trị, bình tĩnh nhưng không chủ quan để có thể đảm bảo hai mục tiêu: an toàn phòng dịch và khám chữa bệnh hiệu quả”, bác sĩ Nhã khuyến cáo.