Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết mới, một số người bị sốt xuất huyết nặng gây tràn dịch màng bụng, phổi.
- 6 trường hợp tuyệt đối tránh uống rượu nếu không muốn rước họa vào thân
- Liều thứ 4 vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả 73% trong việc ngừa nhiễm biến thể Omicron
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trong tuần từ 29/7-5/8 đều tăng so với tuần trước đó.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần qua bao gồm Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10)… Đáng chú ý, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2 ổ dịch), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1).
Đại diện Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10 bệnh nhân sốt xuất huyết, đa số sốt cao liên tục, đau mỏi người. Trong đó, một số người bị sốt xuất huyết nặng gây tràn dịch màng bụng, phổi; một số trường hợp bị chảy máu răng, mũi; bệnh nhân nữ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo. Các bệnh nhân này đều phải nhập viện điều trị.
Thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên là một trong những "điểm nóng" của Thủ đô về dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê, chỉ trong thời gian từ 28/6 - 20/7, thôn đã ghi nhận 31 ca mắc sốt xuất huyết.
Thôn Phú Nhiêu có 400 hộ gia đình, 1.750 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và lao động tự do. Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội nhận định hầu hết các hộ gia đình tại thôn có thói quen tích trữ nước mưa ở các dụng cụ chứa nước như bể, thùng phi, đây là nơi trú ngụ lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các dụng cụ chứa nước tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 608 ca bệnh sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Thành phố có tổng cộng 55 ổ dịch phân bố tại 19 quận, huyện. Trong số này, hiện 13 ổ dịch vẫn đang còn hoạt động.
CDC Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là đang trong cao điểm mùa dịch. Kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.
Khuyến cáo từ chuyên gia
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển. Chưa kể, hiện đang trong mùa du lịch hè, nhu cầu đi lại gia tăng.
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
"Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue theo Hướng định của Bộ y tế, phát hiện các ca sốt xuất huyết sớm và xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết", PGS Đỗ Duy Cường cho hay.
Phòng tránh muỗi sinh sản là biện pháp hữu hiệu phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết đường lây của sốt xuất huyết là qua muỗi. Sau khi muỗi đốt người bệnh hoặc những người nhiễm siêu vi (chưa có dấu hiệu bệnh) thì nó có thể lây mầm bệnh này cho những người khỏe mạnh mà nó đốt sau đó.
Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng ngừa, nên cách phòng tốt nhất là dọn dẹp môi trường xung quanh, ngăn không cho muỗi sinh sôi. Những chỗ nước đọng trong nhà phải được dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần có nắp đậy để muỗi không đẻ trứng được. Những vật phế thải như lốp xe, bát, lá cây đọng nước cần được dọn sạch.
Tiếp theo, người dân cần phòng ngừa muỗi đốt bằng cách mặc áo tay dài, ngủ màn, giăng lưới ở cửa sổ. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chích nhiều nhất lúc sáng sớm và chiều tối nên phải để ý để bảo vệ trẻ, tránh không cho trẻ đi đến những chỗ có nước đọng, đặc biệt là nước sạch vì muỗi sốt xuất huyết không đẻ trứng ở những nơi nước bẩn như cống rãnh.